dy1
English
Tiếng Việt

Chữa bệnh cần cả sự cảm thông, chia sẻ

Cập nhật:
Lượt xem:


Bệnh nhân cũng là con người, có người dễ thương, có người lại khó tính đến mức khó chịu....


Bệnh nhân cũng là con người, có người dễ thương, có người lại khó tính đến mức khó chịu. Hôm qua mới khám cho một bác 62 tuổi mới nhập viện, hễ đặt ra câu hỏi thì bác thường im lặng, hoặc càu nhàu, hoặc trả lời một đằng, vợ bác trả lời một nẻo. Bác thì trách chữa bệnh kiểu gì mà ngày một nặng lên, vợ bác chỉ sửa lại đôi chút rằng bệnh cải thiện thấy rõ. Các triệu chứng thực thể và xét nghiệm thì dĩ nhiên ủng hộ vợ bác, mà mình kệ, cứ để bác trách, than phiền, hoặc mình độc thoại.



Người bệnh rất cần sự cảm thông và thấu hiểu từ thầy thuốc.


Hôm nay, ngồi theo dõi ghép tế bào gốc cho bác dưới khoa hồi sức, định chỉ im lặng vì sợ một tiếng động thôi cũng làm bác nổi cơn tam bành, vậy mà bác chợt quay ra bắt chuyện hỏi mình, rồi tâm sự rất nhiều chuyện đời của bác. Bác kể bác yêu nghề xây dựng như nào, tự hào khi có hai đứa con học rất giỏi đều đang du học ở nước ngoài ra sao. Bác rất thương bác gái ở nhà phải lo cho bác từ việc mặc quần áo, tắm giặt, đi vệ sinh,... Giờ tất cả những gì bác mong muốn chỉ là có thể đủ sức khỏe để tự lo cho bản thân mình, không phải phiền ai cả. Bác khó chịu với mọi người cũng chỉ vì cảm giác bất lực với bản thân. Mình kiên nhẫn lắng nghe bác nói, lúc ấy nằm trước mặt mình là một người đàn ông, người cha, người chồng nhân hậu với một trái tim rất ấm áp, không phải ông già khó tính, lạnh lùng, hay than thở, nhàu nhĩ mà mình đã thấy mỗi lần qua khám.


Quay về phòng lưu viết hồ sơ, chợt nhớ nhà văn Nam Cao từng viết:

Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương..."


Nhưng cuộn băng trong đầu những bác sĩ mới hành nghề như mình, khi gặp bệnh nhân khó chịu như vậy, thường bị xước ở đoạn này, mất vài giây chỉ tua đi tua lại mỗi câu: "không bao giờ ta thương, không bao giờ ta thương, không bao giờ ta thương...". Xước tí thôi rồi lại tua tiếp: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.


Suy cho cùng tất cả chúng ta ai cũng có những niềm riêng, ai cũng khổ. Chữa bệnh hóa ra không chỉ là câu chuyện thăm khám rồi kê đơn giữa bác sĩ và bệnh nhân. Chữa bệnh còn cần cả một sự kiên nhẫn, cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ những cảm xúc rất con người, giữa con người với con người, giữa những người ít nhiều đều khổ như nhau.


SKĐS - BS. Dương Minh Tuấn

Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
2
Tổng số truy cập:
9.617.895
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành