dy1
English
Tiếng Việt

Ổ sán khổng lồ trong não do thói quen ăn đồ tái, sống

Cập nhật:
Lượt xem:
Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
 
Hình ảnh ổ kén sán lợn trong não bệnh nhân trước phẫu thuật  /// Thúy Anh
Hình ảnh ổ kén sán lợn trong não bệnh nhân trước phẫu thuật  /// Thúy Anh
Sốt, đau đầu, liệt vận động
Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân (BN) Hà Đăng N. (40 tuổi, quê xã Xuân Đài, H.Tân Sơn, Phú Thọ).
Khoảng 1 tháng trước khi nhập viện, BN đau đầu từ nhẹ đến nặng rồi đau liên tục, có dùng thuốc giảm đau hạ sốt nhưng không đỡ. Sau thời gian dài đau đầu nhiều, buồn nôn, sốt tăng dần, tê yếu 1/2 người phải, tri giác chậm, ý thức giảm dần, BN được gia đình đưa đến BV.
Tại BVĐK tỉnh Phú Thọ, kết quả xét nghiệm và chụp CT sọ não cho thấy ổ sán não khổng lồ choán phần lớn ở bán cầu trái và vùng thái dương đỉnh phải, gây phù não, được chỉ định mổ cấp cứu. Các bác sĩ khoa ngoại thần kinh đã thực hiện phẫu thuật trong khoảng 2 giờ, lấy ra ổ nang sán lợn. BN hồi phục, tỉnh táo, sinh hoạt bình thường sau phẫu thuật 10 ngày.
Bác sĩ CK2 Hà Xuân Tài, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh - BVĐK tỉnh Phú Thọ, cho biết kén sán não là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh do ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở người gây ra. Bệnh gặp chủ yếu nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém, đặc biệt là ở những vùng có tập quán nuôi lợn thả rông và ăn thịt lợn chưa được nấu chín. Bệnh kén sán não nếu không được phát hiện và xử trí sớm sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
“Trước đây tôi thường ăn tiết canh, thịt chua, nem, rau sống… và không nhận thức được nguy cơ nhiễm sán lợn gây bệnh do thói quen ăn uống như vậy”, BN Hà Đăng N. chia sẻ.
Ổ sán khổng lồ trong não do thói quen ăn đồ tái, sống1
Kén sán được lấy ra sau phẫu thuật
ẢNH: THÚY ANH
Nguy cơ cao từ món ăn tái, sống
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn); không ăn tiết canh, gỏi sống; nên ăn chín, uống sôi...
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khi người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, trứng vào dạ dày nở ra ấu trùng; đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt…
Trong trường hợp người bệnh có sán lợn trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang.
Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Trường hợp người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay tái có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nảy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 - 12 m. Chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt, thường thấy là cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
Nguồn: Thanh Niên
Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
18
Tổng số truy cập:
10.764.723
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành