dy1
English
Tiếng Việt

Thầy thuốc cũng mưu sinh nhưng phải hy sinh vì người bệnh

Cập nhật:
Lượt xem:
Suốt lịch sử từ cổ chí kim, ngay từ khi ra ngành y đời, người ta đã luôn đề cao đạo đức của người làm nghề này. Cái nghề được hiểu một cách đơn giản là chăm sóc sức khỏe này có vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội vì liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Và ngày nay, quan điểm về y đức giữa đời sống kinh tế thị trường đã có những đặc điểm riêng, khác với thời kỳ trước.

Mặt trái từ sự phát triển công nghệ

GS - TSKH Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam
Ảnh minh họa từ internet
Ở thời kỳ bao cấp, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chỉ có 2 thành phần chính là thầy thuốc và bệnh nhân với mục đích duy nhất là đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

Nay trong nền kinh tế thị trường có thêm nhiều thành phần tham gia gồm thầy thuốc, bệnh nhân, doanh nhân sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế, nhà quản lý, tầng lớp môi giới… Cho nên ngoài lợi ích cứu chữa tính mạng bệnh nhân còn có cả lợi ích của các thành phần khác, đặc biệt là thầy thuốc và doanh nhân.

Nếu như thời bao cấp người thầy thuốc chỉ có 2 động lực chính gồm động lực tinh thần là chăm sóc, cứu chữa người bệnh và động lực khoa học thì nay, nổi lên động lực lợi ích chính đáng trong mưu sinh và làm giàu.

Thời bao cấp, công nghệ chậm phát triển nhưng trong kinh tế thị trường, công nghệ cao được ứng dụng và phát triển nhanh nhờ hiệu quả chữa bệnh cao, lợi nhuận mang về cũng cao hơn. Mặt lợi của công nghệ là hiệu quả chẩn đoán và khám chữa bệnh tăng rõ rệt. Nhưng mặt trái là dễ bị lạm dụng để thu hồi vốn nhanh, thậm chí còn dùng để lừa người bệnh bỏ ra rất nhiều tiền khi sử dụng dịch vụ y tế.

Một xu thế phổ biến trong thời kinh tế thị trường và khoa học phát triển nhanh là quan hệ giữa thầy thuốc với người bệnh ngày một tăng khoảng cách, không gắn bó và gần gũi như trước.

Lý do khách quan là công nghệ cao phát triển, mức độ chuyên khoa ngày càng sâu nên không thể mỗi bệnh nhân chỉ quan hệ với một thầy thuốc như trước kia, mà được nhiều thầy thuốc thuộc nhiều khoa cùng chẩn đoán, chữa chạy.
Còn lý do chủ quan là người thầy thuốc ỷ lại vào công nghệ mà coi nhẹ các biện pháp kinh nghiệm lâm sàng kinh điển (nhìn, sờ, gõ, nghe), chưa nói tới sự lạm dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị hiện nay để chạy theo mục đích lợi nhuận.
Bởi vậy ở thời nào, nghề y cũng cần được đề cao đạo đức nghề nghiệp. Mà ngày nay, khi xây dựng cơ chế kinh tế thị trường thì việc đề cao lại càng cần thiết.

Y đức và y nghiệp hiện đại

Thông thường, nói y đức người ta nghĩ ngay đến đạo đức với nhiều yếu tố nội hàm: thái độ ứng xử, lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm… Nhưng có một số người quan niệm y đức chỉ đơn thuần là đạo đức mà tách rời tài năng và trí tuệ. Nên có nhiều cán bộ y tế hiểu đơn giản chỉ cần cười nói, không gắt gỏng với người bệnh, không vòi vĩnh quà cáp từ bệnh nhân… thế là có y đức tốt. Trong khi trình độ chuyên môn thì dốt, kỹ năng hành nghề không cao, không chịu học tập vươn lên… Như thế không thể gọi là người có y đức được.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số nước đã đưa ra khái niệm mới, gắn việc giáo dục y đức với nâng cao tính chuyên nghiệp y học, hay còn gọi là y nghiệp. Nghĩa là y đức phải đi đôi với y nghiệp. Đây là một biểu hiện đổi mới trong nhận thức và giáo dục về y đức phù hợp với tình hình hiện nay (medical professionalism là từ tiếng Anh chỉ sự chuyên nghiệp trong y học, ở Việt Nam nhiều người gọi tắt là y nghiệp).

Vấn đề y đức gắn với y nghiệp được thể hiện qua 4 nội dung.

1. Luôn ưu tiên lợi ích bệnh nhân

Thầy thuốc phải có lòng nhân ái, phải sẵn lòng cứu chữa người bệnh và quan trọng nhất là phải đặt quyền lợi, tính mạng của người bệnh lên trên quyền lợi của bản thân.

Đành rằng trong cơ chế thị trường, phải nói tới lợi ích của người thầy thuốc và họ cũng phải mưu sinh, nhưng trong mối quan hệ giữa việc hy sinh, cống hiến để cứu chữa tính mạng người bệnh với việc lo toan mưu sinh thì thầy thuốc bao giờ cũng phải đặt tính mạng của người bệnh lên trên lợi ích cá nhân.

Nhận thức này chẳng những là mục đích nghề nghiệp của người thầy thuốc mà còn là điều kiện để hành nghề của thầy thuốc.
Thử hỏi, nếu thầy thuốc không coi trọng tính mạng của người bệnh, không toàn tâm toàn ý cứu chữa người bệnh, để người bệnh không khỏi bệnh hoặc gây tai biến cho người bệnh thì còn ai dám đến yêu cầu thầy thuốc đó chữa bệnh cho họ? Và lúc đó, liệu thầy thuốc còn cơ hội để hành nghề và mưu sinh thông qua hành nghề được không?

Một điểm nữa cần đổi mới trong giáo dục y đức hiện nay là phải phân tích một cách phù hợp mối quan hệ giữa việc hy sinh, cống hiến của thầy thuốc dành cho người bệnh với việc lo toan mưu sinh kiếm sống, thay cho việc kêu gọi thầy thuốc chỉ biết hy sinh như kiểu giáo dục trong thời kỳ bao cấp.

Phần lớn những biểu hiện sai lầm của thầy thuốc về y đức xuất hiện trong thời gian qua đều là do không quán triệt, nhận thức đầy đủ về mối quan hệ biện chứng mang tính nhân quả này.

2. Không phải là nghề chữa bệnh

Thầy thuốc phải luôn nhớ một câu nói liên quan đến nghề nghiệp của mình, đó là nghề y không phải là nghề chữa bệnh mà là nghề chữa người bệnh.

Ví dụ, nhiều người cùng bị bệnh cao huyết áp, nhưng khi chẩn bệnh và điều trị, thầy thuốc ngoài phát hiện ra bệnh, còn phải phát hiện xem cơ thể người bệnh có đặc điểm gì và tìm thuốc hợp với người bệnh đó. Như vậy là thầy thuốc chữa bệnh cho một con người cụ thể, chứ không phải chữa một thứ bệnh chung chung.

Vì vậy, muốn trở thành thầy thuốc giỏi không có cách nào khác là phải từng trải và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp trong thế giới người bệnh muôn hình muôn vẻ.

Hơn nữa, ngày nay khoa học phát triển như vũ bão, trong đó có nhiều thành tựu liên quan và ứng dụng cho y học như chẩn đoán hình ảnh, nội soi, tế bào gốc… và các phương thuốc mới có tính đặc trị cao. Ngoài kinh nghiệm lâm sàng, các phương tiện hiện đại mang lại cho thầy thuốc thông tin rất chính xác về cơ thể người bệnh. Mà nếu không nắm được những kiến thức và kỹ thuật này chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng lạc hậu, không thể cứu chữa được người bệnh.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã chỉ ra rằng: “Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát”.

3. "Thầy" cũng đừng giấu dốt

Trước hết, thầy thuốc phải có lòng tự trọng và tự biết kiểm soát bản thân. Ở mọi nơi mọi lúc phải luôn biết mình ở vào hoàn cảnh nào, cương vị nào, mối quan hệ với người xung quanh ra sao, từ đó có cách ứng xử thích hợp thể hiện sự tôn trọng với mọi người và thu nhận sự tôn trọng của mọi người với mình.

Bên cạnh lòng tự trọng và tự kiểm soát, thầy thuốc còn phải biết hợp tác với đồng nghiệp.

Hợp tác được hiểu là học hỏi từ đồng nghiệp, không giấu dốt, giúp đỡ và chia sẻ với đồng nghiệp những kinh nghiệm tốt của bản thân nhưng đồng thời giúp đỡ đồng nghiệp nhận ra các sai lầm trong nghề nghiệp, kịp thời phát hiện cái sai của đồng nghiệp để giúp họ không gây ra tổn thất cho người bệnh. Tuyệt đối không được chờ đợi hoặc lợi dụng cái sai của đồng nghiệp để có cơ hội hạ uy danh của họ.

4. Có trách nhiệm với cả xã hội

Nghĩa là thầy thuốc phải đồng thuận với các giải pháp y tế, mang chủ trương của Nhà nước đến với dân, mỗi thầy thuốc phải trở thành một tuyên truyền viên về chính sách và kiến thức y tế cho nhân dân; tham gia các hoạt động cộng đồng (hoạt động vì người nghèo, hiến máu nhân đạo, bảo hiểm y tế và tham gia các phong trào trong y tế, gương mẫu trước cộng đồng và được cộng đồng tin tưởng.

Như vậy, việc gắn y đức với y nghiệp biểu hiện cả tiêu chí đức lẫn tài, mang tính chắt lọc, tích lũy dài lâu suốt cuộc đời, gắn với vận mệnh, vừa mang tính quyết đoán, dấn thân vừa tự nguyện và hy sinh. Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, đồng thời lấy lại niềm tin của nhân dân với ngành y tế.
Theo Một thê giới
Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
47
Tổng số truy cập:
10.489.645
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành