dy1
English
Tiếng Việt

Bộ Y tế cảnh báo phòng, chống bệnh thủy đậu

Cập nhật:
Lượt xem:
Thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hàng năm, từ tháng 2 đến tháng 6 là thời gian bệnh thủy đậu tấn công người dân nhiều nhất. Đến nay, căn bệnh “đến hẹn lại lên” này đang vào mùa, dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể nhưng phần lớn người bệnh có thể điều trị ngoại trú.


Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Vi rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng hay dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
 
Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kì lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.
 
Người lớn cũng dễ mắc bệnh thủy đậu
 
Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.
 
Trước đây, trẻ em dưới 10 tuổi hay mắc bệnh này, thì nay nhóm tuổi 20-25 lại nhiều hơn. Nguyên nhân là do trẻ em sinh ra sau này được chú ý tiêm vắc xin phòng bệnh nhiều hơn so với những người lớn tuổi vốn chưa được chủng ngừa trước đó.
 
Thủy đậu gây nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu, vì có thể làm sẩy thai, trẻ sinh ra bị đục thủy tinh thể. Để phòng ngừa thủy đậu, tốt nhất nên tiêm 2 mũi vắc xin, cách nhau ít nhất 3 tháng. Phụ nữ muốn có con thì nên tiêm trước khi có ý định mang thai khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, nếu lỡ tiêm rồi mới biết mang thai thì cũng không nên lo vì chưa có nghiên cứu nào xác nhận loại vắc xin này gây hại cho thai nhi. Nếu mẹ đã tiêm ngừa thì con sinh ra cũng được phòng bệnh cho đến 9 tháng tuổi. Người từng mắc bệnh có thể an tâm mình được miễn dịch hoàn toàn bởi một người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời.
 
Đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm phòng vắc xin phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Trên thực tế, nếu đã được chủng ngừa vắc xin thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt bỏng rạ và thường là không bị biến chứng.
 
Cách phòng, chống bệnh thủy đậu
 
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau: 

    -  Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan;

   -  Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

   -  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý;

   -  Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

    -  Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

 
Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu để đảm bảo sức khỏe cho chính mình. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.


Theo Bộ Y tế
 
Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
2
Tổng số truy cập:
9.612.569
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành