dy1
English
Tiếng Việt

Lịch sử phát triển

Cập nhật: 25/01/2016
Lượt xem: 15180



60 NĂM HOẠT ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
(1955 - 2015)


 

 Đại Hội thành lập Hội Y học Việt Nam được tổ chức vào ngày 3/3/1955 tại Hà Nội và được Chính phủ công nhận theo Quyết định số 134 NV-QĐ ngày 15-4-1955 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Văn Bạch ký, đến nay đã 60 năm.

Trong 60 năm hoạt động, Hội Y học Việt Nam đã 3 lần đổi tên. Lần thứ nhất đổi tên thành Tổng Hội Y học Việt Nam, được quyết định trong Đại hội lần thứ V tổ chức vào hai ngày 24-25/6/1960, được Chính phủ công nhận theo Quyết định số 341 NV-QĐ ngày 26/10/1960 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Tô Quang Đẩu ký. Lần thứ hai đổi tên thành Tổng Hội Y dược học Việt Nam được quyết định trong Đại hội lần thứ X, tổ chức vào hai ngày 27-28/3/1985, được Hội đồng Bộ trưởng công nhận theo Quyết định số 99/BT ngày 10-9-1986 do Bộ trưởng Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến ký. Lần thứ 3 Hội được đổi tên thành Tổng Hội Y học Việt Nam sau khi tách Ngành Dược ra khỏi Tổng Hội Y dược học Việt Nam năm 2004 theo Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIV (12-2005).

Hội Y học Việt Nam (1955 – 1960)

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình được lập lại ở Việt Nam, tháng 11 năm 1954, Chính phủ giao cho Bộ Y tế tiến hành việc thành lập Hội Y học Việt Nam ngoài biên chế của Bộ Y tế nhằm tập hợp đoàn kết tất cả các cán bộ Y tế, quân dân Y Dược, Đông Y, Tây Y ở miền Bắc, từ miền Nam tập kết ra Bắc và cán bộ Y tế làm việc ở các cơ sở thuộc biên chế Nhà nước và các cơ sở tư ở lại không di cư vào Nam để cùng nhau bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý hoạt động của Hội và tạo các điều kiện hoạt động cho Hội kể cả ngân sách. Ban Vận động thành lập Hội Y học Việt Nam do BS. Trần Hữu Tước làm trưởng Ban, BS. Hoàng Đình Cầu làm Tổng Thư ký và DS. Trương Xuân Nam làm Phó Tổng Thư ký, đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt với các đồng nghiệp ở Hà Nội, xây dựng bộ khung tổ chức tương lai của Hội và nhận căn nhà riêng 2 tầng ở Dốc Hàng Gà (nay là 68 phố Bà Triệu) của BS. Nguyễn Bách dành cho việc làm trụ sở Hội.

Ngày 27-2-1955, Hồ Chủ tịch gửi thư cho Hội nghị Cán bộ Y tế trong đó có nội dung “Xây dựng Nền Y học của ta: trong những năm nước ta bị nô lệ thì Y học cũng như những Ngành khác đã bị kìm hãm. Nay chúng ta đã được độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta, Y học cũng phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng. ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý hóa về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi Y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

1- Ngày 3-3-1955, 200 đại biểu gồm các Giáo sư, Bác sỹ, Dược sỹ, Nha sỹ, Y sỹ, Lương y, quân và dân, công và tư đã dự Đại hội thành lập Hội Y học Việt Nam tại Câu lạc bộ Đoàn kết đã nhất trí đề án thành lập Hội, bầu Ban Chấp hành đầu tiên với Chủ tịch đầu tiên là BS. Trần Hữu Tước. Hội có 9 Ban (Ban Đông y, Ban Nội khoa, Ban Ngoại khoa, Ban Vệ sinh phòng dịch, Ban Nha khoa, Ban Tai Mũi Họng, Ban Tinh Thần kinh, Ban Dược khoa) 4 chi hội (Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Khu tự trị Việt Bắc) gồm 1342 hội viên (1134 bác sỹ và y sỹ, 185 dược sỹ cao cấp và trung cấp, 23 nha sỹ, trong đó có 428 cán bộ quân y dược cao cấp và trung cấp).

2- Sau một năm thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chuyên môn, đạo đức, tham gia đấu tranh chống Mỹ Diệm, trong Đại hội Đại biểu lần thứ II ngày 22-3-1956, Chủ tịch Hội, BS. Trần Hữu Tước đã nhận định: “tuy mới thành lập nhưng Hội đã đạt được một số kết quả đầu tiên trong việc xây dựng Nền Y học Nước nhà, xứng đáng với một nước đứng trong khối các nước dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng nhận thức sâu sắc rằng công tác chuyên môn phải gắn liền với công tác chính trị để có một ý thức phục vụ nhân dân đầy đủ hơn, cũng như để khai thác vốn Y học nước nhà là nền Đông y”; đồng thời cũng đề ra bốn công tác chính cho năm 1956: “đoàn kết toàn giới Y học để thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1956, - đề cao học tập chính trị và nâng cao lập trường tư tưởng, - ra sức học tập lý luận và kinh nghiệm tiên tiến của Liên Xô và các nước bạn, - tích cực khai thác vốn y học dân tộc là nền Đông y”. Đại hội cũng gửi thư lên Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời cũng gửi thư cho anh chị em Y Dược, Nha sỹ ở hải ngoại và cho anh chị em Y, Dược, Nha sĩ ở miền Nam.

3- Đại hội Đại biểu lần thứ III Tổng Hội đã nhất trí việc Ban Đông y tách ra và thành lập Hội Đông y Việt Nam; ngày 10 tháng 12 năm 1957, Hội Đông Y đã tiến hành Đại hội lần thứ I Hội Đông y Việt Nam.

4- Trong Đại hội Đại biểu lần thứ IV Hội Y học Việt Nam tổ chức vào các ngày 16, 17 tháng 6 năm 1958 (nhiệm kỳ 1958 – 1960), Chủ tịch Hội Trần Hữu Tước đã nhận định: “Trong 3 năm qua … Hội của chúng ta đã có một hướng hoạt động, một hình thức tổ chức và một số công tác cụ thể cần thiết phải làm…, Hội đã có tác dụng nhất định và cũng đã đạt được một số kết quả… trong từng lĩnh vực hoạt động… Hiện giờ, một lĩnh vực hoạt động và một số nội dung công tác của Hội đã có giá trị lịch sử rồi và trong giai đoạn mới, Hội ta cần có hướng hoạt động mới và đi đôi với hướng hoạt động đó, cần có một số sửa đổi về tổ chức…”. Với tinh thần đó, Đại hội đã bầu một Ban Chấp hành gồm 26 vị chính thức, 4 vị dự khuyết với Chủ tịch Hội là GS-BS. Hồ Đắc Di, Trưởng Ban Thư ký, DS. Trương Xuân Nam và 9 Ban (Kỹ thuật, Ngoại, Nội, Dược, Nha, Vệ sinh Phòng dịch, Báo chí, Thủ quỹ, Danh từ). Trong dịp này, Chủ tịch GS-BS. Hồ Đắc Di đã gửi thư chia buồn của Hội Y học Việt Nam về việc GS. Frédéric Joliot – Curie, Nhà Bác học vĩ đại Pháp từ trần đến Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Phong trào Hòa bình Pháp.

Một chủ trương quan trọng trong nhiệm kỳ là: động viên các hội viên tham gia phát triển khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ở các cơ sở, tổ chức các Hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học của các Hội Chuyên khoa, xuất bản báo chí khoa học.

5- Tổng hội Y học Việt Nam (1960 – 1985)

Sau 2 năm hoạt động sôi nổi, nhiều Ban Chuyên khoa đã có đủ số cán bộ thành lập Hội để thúc đẩy sự phát triển của Hội. Đại hội Đại biểu lần thứ  V Hội Y học Việt Nam được tổ chức ngày 24 - 25 tháng 6 năm 1960 (nhiệm kỳ 1960 - 1962) đã quyết định đổi tên thành Tổng Hội Y học Việt Nam, được Chính phủ công nhận theo Quyết định số 341 NV- QĐ ngày 26-10-1960 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 31 vị, với Chủ tịch là GS-BS. Hồ Đắc Di - Tổng thư ký, DS. Trương Xuân Nam và các Ban Tổ chức, Ban Kỹ thuật, Ban Báo chí và Xuất bản. Ngoài ra, Đại hội đã thành lập các Ban Vận động thành lập các Hội Hà Nội, Hội Giải phẫu học Việt Nam, Hội Nhãn khoa, Hội Tai - Mũi - Họng, Hội Lao, Hội Sản, Hội Vệ sinh Phòng dịch, Hội Y học Hải Phòng, Hội Y học khu tự trị Thái Mèo, Hội Y học khu tự trị Việt Bắc, Hội Y học Nghệ An, Hội Dược, Hội Nhi, Hội Răng - Hàm - Mặt. Từ năm 1960 đến năm 1963, đã thành lập được 14 Hội Chuyên khoa Trung ương và 9 Hội Y dược học tỉnh trực thuộc Trung ương. Các Hội thành viên đã hoạt động mạnh mẽ, góp phần nâng cao vị trí của Tổng Hội.

Chủ trương của Tổng Hội Y học Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc nâng cao sức khoẻ nhân dân, phòng và chống các bệnh xã hội như sốt rét, mắt hột, kiết lị, ỉa chảy, bại liệt,...

6- Đại hội Đại biểu lần thứ VI được tiến hành vào các ngày 5, 6, 7 tháng 12 năm 1963 trong đó có 1 ngày Đại hội (5-12) 2 ngày sinh hoạt khoa học kỹ thuật (6-7/12), lúc này, Tổng Hội đã có 23 Hội thành viên (9 Hội địa phương, 14 Hội Chuyên khoa Trung ương). Đại hội đánh giá tình hình hoạt động nhiệm kỳ qua, đề ra nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đấu tranh thống nhất đất nước và bầu Ban Chấp hành mới gồm 24 vị. GS-BS. Hồ Đắc Di được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Hội, DS. Trương Xuân Nam làm Tổng thư ký.

Sau Đại hội, từ 15 – 20 tháng 12 năm 1963, trong tuần lễ vì miền Nam ruột thịt, Tổng Hội đã vận động hội viên viết thư đăng báo nước ngoài, viết thư qua đài tiếng nói Việt Nam gửi đồng nghiệp miền Nam, 300 hội viên tham gia mít tinh trí thức Thủ đô Hà Nội và nhiều đồng nghiệp hội viên đã được chọn cử đi chiến trường B, C.

Khi Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, để chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân và hải quân Mỹ, các hội viên đã hưởng ứng tích cực việc sơ tán các cơ sở y tế ra khỏi các đô thị; các chủ trương chiến thuật ngoại khoá hoá, đa khoa hoá cán bộ; chủ trương cơ động tại chỗ, thầy và thuốc tại chỗ, đã góp phần cứu chữa kịp thời và đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, dân quân tự vệ và nhân dân trong chiến tranh.

7- Do chiến tranh nên mãi đến 24 và 25 tháng 11 năm 1970, Đại hội Đại biểu Tổng Hội lần thứ VII mới được tổ chức, lúc này Tổng Hội đã có thêm 3 Hội Chuyên khoa Trung ương (đặc biệt có Hội Châm cứu Việt Nam thành lập năm 1968 với ý nghĩa là cái cầu nối giữa Đông y và Tây y trong Tổng Hội) và 8 Hội Y học địa phương, đưa số thành viên của Tổng Hội lên 42 (17 Hội CKTW và 25 Hội địa phương).

Đại hội đã bầu 31 vị vào Ban Chấp hành mới, GS-BS. Hồ Đắc Di tiếp tục làm Chủ tịch Tổng Hội, DS. Trương Xuân Nam sau đó GS. Phạm Khắc Quảng làm Tổng Thư ký Tổng Hội. Có một điểm cần lưu ý là năm 1971, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quy định Đảng đoàn Bộ Y tế chịu trách nhiệm lãnh đạo các đoàn thể có liên quan đến y tế (THYHVN, Hội Đông y, Công đoàn Y tế, Hội Chữ thập đỏ). Từ tháng 1-1970, Văn phòng Tổng Hội đã có 1 cán bộ chuyên trách Chánh Văn phòng do Bộ Y tế cử sang (Đ/c. Hoàng Vĩnh Bảo) và Đảng đoàn cử BS. Nguyễn Văn Tín, Thứ trưởng đặc trách theo dõi Tổng Hội và được bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch Tổng Hội. Công việc của Tổng Hội được đẩy mạnh, chú trọng phát triển Hội ở các tỉnh. Từ 1971 đến 1974, Tổng Hội đã có đoàn công tác đến các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Nghĩa Lộ, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Hòa Bình, Nam Định, Hải Hưng, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tây để dự các Hội nghị khoa học, báo cáo khoa học và vận động thành lập Hội; năm 1971, Hội Y học Sơn La được thành lập.

8- Đại hội Đại biểu lần thứ VIII Tổng Hội Y học Việt Nam được tổ chức vào 2 ngày 22 và 23 tháng 10 năm 1974 khi toàn thể dân tộc ta đã giành được thắng lợi vĩ đại “đánh cho Mỹ cút”, tiếp tục “đánh cho Nguỵ nhào”, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội và được coi là “Đại hội mừng công của toàn thể chúng ta” (báo cáo trong Đại hội), số thành viên của Tổng Hội là 43 (17 Hội chuyên khoa trung ương và 26 Hội địa phương). Với sự giúp đỡ của Bộ Y tế, của Mặt trận Tổ quốc TW, trong 4 năm, các hội CKTW và Hội địa phương đã trưởng thành và phát triển không ngừng, đã có hơn 1000 tổ chuyên khoa, chi hội chuyên khoa, phân hội chuyên khoa trong các Hội chuyên khoa TW và Hội địa phương. Tuy nhiên, Đại hội cũng thấy rõ “Tổng Hội và các hội thành viên sinh hoạt không đều, Đại hội tiến hành không đúng kỳ hạn, Ban Chấp hành không đảm bảo sinh hoạt như quy định”. Thay mặt Ban Chấp hành, Chủ tịch Hồ Đắc Di xác định rõ: “Tổng Hội cần phải có tinh thần cách mạng tiến công, tinh thần tự lực tự cường, tăng cường đoàn kết để xây dựng Ngành Y tế XHCN có đầy đủ tính chất cách mạng chính quy và hiện đại, đối với miền Nam, chúng ta cần dành cho các bạn đồng nghiệp những ưu tiên về các mặt”,… cũng như “sẵn sàng cùng toàn dân làm tròn nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh cách mạng nhằm hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam tiến tới hòa bình thống nhất đất nước”. Đại hội đã bầu ra BCH gồm 45 vị, với Chủ tịch, GS-BS Hồ Đắc Di, Tổng Thư ký, GS Phạm Khắc Quảng. GS Hoàng Đình Cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế, đại diện cho Đảng đoàn Bộ Y tế được bầu làm Uỷ viên Thường vụ THYHVN. Đại hội cũng có thư ngỏ gửi anh chị em Y giới miền Nam bày tỏ quyết tâm “một người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.

Năm 1975, đất nước được thống nhất, công tác tổ chức của Tổng Hội chuyển hướng vào các tỉnh mới được giải phóng, Tổng Hội đã có những đoàn đi Bình Trị Thiên (1976), Nghĩa Bình (1976), Phú Khánh, Phan Rang, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An (1977) để dự tổng kết công tác y tế, thăm hỏi các bạn đồng nghiệp ở các Bệnh viện, các trường Đại học và giới thiệu Tổng Hội cũng như vận động thành lập các Hội Y học địa phương. Đến năm 1980, Tổng Hội đã có thêm 16 Hội thành viên (4 hội CKTW, 12 Hội Y học địa phương).

9- Đại hội Đại biểu Tổng Hội Y học Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 1981-1985). Lúc này, số thành viên của Tổng Hội đã lên đến 59 (21 Hội CKTW và 37 Hội địa phương) trong đó đã có 10 Hội ở các Tỉnh phía Nam (Quảng Nam Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh (1977), Lâm Đồng, Sông Bé, Bình Trị Thiên (1978) Gia Lai Kontum, Đắc Lắc, TP. Hồ Chí Minh (1979), Tiền Giang (1980)). Đây là Đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Ban Chấp hành mới đã đề ra một số cải tiến mới trong tổ chức hoạt động của Tổng Hội như sau: xây dựng Tổng Hội Y học Việt Nam theo hướng một Tổ chức Phi Chính phủ; chủ trương tiến hành thu hội phí; để đẩy mạnh việc phát triển khoa học kỹ thuật ở các địa phương, các Chi hội Chuyên khoa ở các địa phương trọng điểm có đủ điều kiện có thể tổ chức thành Hội Chuyên khoa địa phương, vừa là thành viên của Hội Chuyên khoa trung ương, vừa là thành viên của Hội Y học địa phương (Hội Chuyên khoa địa phương đầu tiên là Hội Ngoại khoa thuộc Hội Y học TP. Hồ Chí Minh). Đại hội đã bầu BCH gồm 78 vị, với GS-BS. Hồ Đắc Di tái cử làm Chủ tịch, PGS. Đào Xuân Trà làm Tổng Thư ký, GS. Hoàng Đình Cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế thay mặt Đảng Đoàn Bộ Y tế được bầu làm Phó Chủ tịch. Năm 1983, GS. Hồ Đắc Di dẫn đầu đoàn của Tổng Hội đi thăm Hội Y học TP. HCM, trường Đại học Y dược TP.HCM, Chợ Rẫy rồi tiếp tục đi thăm các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Long An (1-1983), sau đó (2-1983) tiếp tục thăm Sông Bé và Đồng Nai để giới thiệu về Tổng Hội, báo cáo khoa học, cố vấn chuyên môn, giới thiệu Tạp chí Nội san của Tổng Hội và vận động thành lập hội. Gần cuối nhiệm kỳ (1984), GS Chủ tịch từ trần, GS. Hoàng Đình Cầu được Thường vụ cử giữ chức Quyền Chủ tịch Tổng Hội. Trong nhiệm kỳ này, Tổng Hội đã nhận với Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn đánh giá một cách khoa học 9 bài thuốc dùng chữa bệnh ở Trạm Y tế xã, kết quả nghiên cứu trên 3000 bệnh nhân cho thấy những bài thuốc trên có tác dụng tốt cả trên thực nghiệm và lâm sàng.

10- Tổng Hội Y dược học Việt Nam (1985-1990)

Đại hội Đại biểu Tổng Hội Y học Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 1986-1990) được tổ chức vào hai ngày 27 – 28 tháng 3 năm 1985 trong tình hình hoạt động của các Hội đang có nhiều kết quả, nhất là hoạt động của Hội Dược (hơn 10.000 Hội viên). Sau đợt thảo luận trước và trong Đại hội, Đại hội đã nhất trí đổi tên Tổng Hội thành Tổng Hội Y dược học Việt Nam. Đại hội đã bầu ra BCH mới gồm 65 vị, GS. Hoàng Đình Cầu làm Chủ tịch và PGS. Hoàng Bảo Châu làm Tổng Thư ký. Điều lệ mới của Tổng Hội Y dược học Việt Nam được Hội đồng Bộ trưởng công nhận theo Quyết định số 99/BT ngày 10/9/1986 do Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyển ký. Sau Đại hội là thời kỳ khó khăn của đất nước, kinh tế sa sút, dẫn đến mở đầu thời kỳ đổi mới, đã ảnh hưởng lớn đến toàn bộ Hệ thống Y tế từ TW đến cơ sở trong đó có tất cả cán bộ y tế. Hoạt động của các Hội cũng bị ảnh hưởng, trong thời gian này, việc phát triển Hội bị hạn chế. Tuy nhiên, Tổng Hội vẫn xác định tiếp tục xây dựng Tổng Hội thành Tổ chức Phi Chính phủ, phát triển các Hội Chuyên khoa để đẩy mạnh việc phát triển khoa học công nghệ y học phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước, thu hội phí, đồng thời triển khai nhiệm vụ tư vấn phản biện giám định xã hội về khoa học công nghệ, chuẩn bị tham gia hành nghề y dược tư nhân khi các địa phương phá rào cho cán bộ y tế làm tư, nhận xây dựng phần y dược trong Từ điển Bách khoa thư VN. Những hoạt động đó được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đánh giá là “Tổng Hội đã có nhận thức đúng đắn về tình hình chung và đã động viên kịp thời đại bộ phận anh chị em cán bộ y tế tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn trong công tác và trong đời sống, củng cố lòng tin trong xây dựng nền y học Việt Nam ngày càng tiến bộ và phát triển”

11- Đại hội Đại biểu Tổng Hội Y dược học Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 1991-1995) được tổ chức vào 2 ngày 14 và 15 tháng 12 năm 1990, diễn ra vào lúc sự nghiệp đổi mới của đất nước đã bắt đầu đem lại kết quả, với số Hội thành viên là 51 (22 Hội CKTW và 39 Hội Y học địa phương). Đại hội đã bầu ra BCH mới gồm 65 vị với Chủ tịch là GS. Hoàng Đình Cầu, Tổng Thư ký là GS. Hoàng Bảo Châu. Đại hội được vinh dự đón tiếp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Chủ tịch “tin tưởng rằng Tổng Hội sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò tham vấn giám sát, có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa trong việc thực hiện chiến lược sức khỏe của Nhà nước ta…” và đề nghị “Trong thời gian tới, Tổng Hội cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động… củng cố Hội vững mạnh…, phục vụ nhân dân nhất là trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu,… Hội phải thực sự là chỗ dựa vững chắc của ngành y tế…, Ngành y tế phải chủ động phối hợp với Hội, giúp đỡ tạo điều kiện cho Hội hoạt động  có hiệu quả” Đại hội đã thảo luận về hai nhiệm vụ mới (tư vấn, phản biện, giám định xã hội về khoa học công nghệ và tham gia quản lý hành nghề y dược tư nhân) cũng như đẩy mạnh công tác đối ngoại và nhấn mạnh việc xây dựng Tổng Hội thành một tổ chức phi chính phủ. Trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch Hoàng Đình Cầu trúng cử Đại biểu Quốc hội Tỉnh Hà Tây và hoạt động của Tổng Hội khá sôi nổi. Hàng loạt Hội chuyên khoa sâu ra đời vừa là  thành viên của Tổng Hội vừa là thành viên của Hội y dược học TP.HCM, TP. Hà Nội, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHKT trong nước và hội nhập quốc tế.

Mặt khác, Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân được ban hành năm 1993 thúc đẩy Hội phải có những biện pháp để thực hiện nhiệm vụ quản lý hội viên hành nghề y dược tư nhân của mình. Ngoài các buổi thảo luận trong thường vụ, trong BCH, về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Tổng Hội GS. Hoàng Đình Cầu đã ký với Bộ trưởng y tế Nguyễn Trọng Nhân Nghị quyết liên tịch số 1 ngày 10-2-1995, ghi nhận những quy định chung và mối quan hệ cụ thể trên một số mặt (công tác báo chí xuất bản, công tác tham gia quản lý hành nghề y dược tư nhân và công tác tư vấn phản biện giám định y học xã hội về mặt khoa học công nghệ Y, Dược), Tổng Hội cũng đã có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết liên tịch trong phạm vi Hội. Đây là 1 bước tiến trong quá trình xây dựng Tổng Hội thành một Tổ chức xã hội nghề nghiệp Phi Chính phủ. Trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch Hoàng Đình Cầu đã làm chủ nhiệm và đã hoàn thành đề tài phòng chống ung thư (có 4 đề tài nhanh) cấp Nhà nước, cũng như đã chỉ đạo hoàn thành cơ bản bản thảo phần y dược trong Bộ Từ điển Bách khoa Phổ thông.

12- Đại hội Đại biểu Tổng Hội lần thứ XII (nhiệm kỳ 1996-2000) được tổ chức ngày 14 – 15 tháng 12 năm 1995, lúc này Tổng Hội có 73 Hội thành viên (29 Hội CKTW và 44 Hội địa phương). Đại hội xác định tiếp tục củng cố và phát triển Hội, tăng cường mối quan hệ qua lại giữa Tổng Hội và Hội thành viên, đẩy mạnh sinh họat khoa học kỹ thuật, tìm biện pháp tham gia tư vấn phản biện giám định khoa học công nghệ về y dược, phối hợp với Ngành trong tham gia quản lý hành nghề y dược tư nhân để từng bước thành Tổ chức Phi Chính phủ đúng nghĩa của nó. Đại hội được vinh dự nghe GS. Nguyễn Đình Tứ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Đảng nhấn mạnh một số điểm về những nhiệm vụ trong Đề án công tác 1996 – 2000 mà Tổng Hội cần phải làm, cũng như đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính quan tâm giúp đỡ. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 82 vị với Chủ tịch là GS Hoàng Đình Cầu, Tổng Thư ký là GS. Hoàng Bảo Châu. Đến cuối nhiệm kỳ này, số lượng các Hội thành viên đã lên đến 88 (32 Hội CKTW và 56 Hội địa phương), có 1 hội xin rút khỏi Tổng Hội (Hội Châm cứu 1998). Chủ tịch Hoàng Đình Cầu đã ký với Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương Nghị quyết liên tịch số 2 về việc phối hợp thực hiện quản lý hành nghề y dược tư nhân. Mối quan hệ giữa Tổng Hội và Hội thành viên mật thiết hơn.

Những sự kiện nổi bật của nhiệm kỳ này: Tổng Hội trở thành Hội viên chính thức của Hiệp Hội Y học các nước Đông Nam Á (MASEAN), tổ chức thành công Hội nghị MASEAN IX ở Hà Nội (ngày 29-31/10/1999), GS. Hoàng Đình Cầu đảm nhận chức Chủ tịch MASEAN IX, nhiệm kỳ 1999-2000.

13- Đại hội Đại biểu lần thứ XIII Tổng Hội Y dược học Việt Nam (nhiệm kỳ 2001-2005) được tổ chức vào 2 ngày 15 – 16/12/2000. Đại hội nhận thấy: Ban Chấp hành đã thống nhất được nhận thức về Điều lệ Hội nhất là các nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội về khoa học công nghệ, tham gia quản lý hành nghề y dược tư nhân và bảo vệ quyền lợi của Hội viên, đã có một số kinh nghiệm trong thực hiện chức năng tư vấn, phản biện, giám định, phối hợp tốt hơn với Ngành trong tham gia quản lý hành nghề y dược tư nhân (qua Nghị quyết liên tịch và trực tiếp tham gia các Hội đồng xét duyệt hành nghề y dược tư nhân), đã đẩy mạnh các hình thức hội thảo, hội nghị, sinh hoạt khoa học kỹ thuật, hội nhập quốc tế, cũng đã xác định nhiệm vụ nhiệm kỳ mới và bầu BCH mới gồm 98 vị với Chủ tịch là GS. Đặng Đức Trạch và Tổng Thư ký là TS. Trần Hữu Thăng, GS. Hoàng Đình Cầu được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.

Các chủ trương trong Đề án của Đại hội này là: Đẩy mạnh việc xây dựng Hội thành một Tổ chức Phi chính phủ, quản lý Hành nghề Y dược tư ở Việt Nam, vấn đề Tư vấn, phản biện, giám định xã hội về khoa học công nghệ, tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại nhân dân và Tổng Hội trở thành thành viên của Hội Y học Thế giới (2004).

Trong nhiệm kỳ này có một số việc đặc biệt: Về phía Tổng Hội, GS - Chủ tịch Đặng Đức Trạch trúng cử Đại biểu Quốc hội (Tỉnh Lâm Đồng), nhiệm kỳ 2002-2007, đột ngột qua đời sau đợt đi công tác (03/2004), vì vậy đã tạm ngừng ký Nghị quyết Liên tịch với Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS-TS. Trần Thị Trung Chiến. Ban Chấp hành quyết định không cử Quyền Chủ tịch, giao cho Ban Thường Trực (TS. Trần Hữu Thăng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; GS. Hoàng Bảo Châu; GS-TS. Nguyễn Thu Nhạn, Phó Chủ tịch) điều hành hoạt động của Tổng Hội đến hết nhiệm kỳ. Hội Dược tách khỏi Tổng Hội và đến tháng 1/2003 Tổng Hội có 61 Hội Y học Tỉnh, 40 Hội Chuyên khoa Trung Ương. Ban Chấp hành đã thảo luận và giao cho GS. Hoàng Đình Cầu tiếp tục phụ trách mảng biên soạn Từ điển Bách khoa Y học, giao cho Thường trực thúc đẩy việc thành lập Hội hành nghề Y tư nhân và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIV. Về phía Nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội ban hành Pháp lệnh hành nghề Y dược tư nhân (số 07/2003/PL, ngày 25/02/2003), trong đó có điều 46 về trách nhiệm của Tổng Hội, Hội Đông y và Điều 47 về Hội hành nghề tư nhân, thành viên của Tổng Hội, Hội Đông Y. Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động và quản lý Hội (số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/07/2003), trong đó xác định những nguyên tắc tổ chức, 11 quyền và 11 nghĩa vụ của các Hội, xác định sự quản lý Nhà nước của Bộ Nội Vụ, Bộ Chủ quản, Uỷ Ban Nhân dân, Sở Chủ quản đối với hoạt động của Hội các cấp. Tổng Hội, các Hội thành viên cần dựa vào các Văn bản Pháp quy trên để đẩy mạnh hoạt động của Hội nhanh chóng trở thành một Hội Phi Chính Phủ theo đúng quy định của Pháp luật.

14- Đại hội Đại biểu lần thứ XIV Tổng Hội Y học Việt Nam (nhiệm kỳ 2005 – 2010): được tổ chức vào 2 ngày 18 và 19 tháng 12 năm 2005, tại Hà Nội.

Từ Đại hội này trở đi tên chính thức của Tổng hội là Tổng hội Y học Việt Nam. Tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Medical Association. Logo chính thức để đăng trên các giấy tờ bao gồm cái cốc, con rắn quấn xung quanh, có số 1955, có chữ Tổng hội Y học Việt Nam và chữ VMA.

 Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới do GS. Phạm Song nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch, TS. Trần Hữu Thăng làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Các Phó chủ tịch: GS. Nguyễn Thu Nhạn, GS. Dương Quang Trung.

Thành tích nổi bật của nhiệm kỳ này là:

-   Đã kết hợp với Bộ Y tế để xin được kinh phí nhà nước và huy động hàng trăm nhà nghiên cứu khoa học trong các chuyên ngành để biên soạn cuốn từ điển Bách khoa Y học Việt Nam.

-   Trong nhiệm kỳ này có một số việc đặc biệt: Thành lập được Hội Hành nghề y tư nhân toàn quốc, Nghị định 88 của Chính phủ cũng có nhiều điều khoản bất cập nên qua kinh nghiệm hoạt động của các hội, Nhà nước đã chuẩn bị sửa đổi. GS. Hoàng Đình Cầu, một Chủ tịch Tổng hội có nhiều ảnh hưởng nhất đã qua đời.

15- Đại hội Đại biểu lần thứ XV Tổng Hội Y học Việt Nam (nhiệm kỳ 2011-2015): được tổ chức vào ngày 1 và 2 tháng 6 năm 2011 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới do GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng làm Chủ tịch, TS. Trần Hữu Thăng – Phó chủ tịch thường trực, TS. Nguyễn Quốc Trường – Tổng thư ký. Các Phó chủ tịch: GS. Dương Quang Trung, GS. Lê Gia Vinh, GS. Phạm Thị Minh Đức, PGS. Nguyễn Thị Xuyên, PGS. Nguyễn Tiến Quyết.

Trong nhiệm kỳ này một số vị lãnh đạo của Tổng Hội đã qua đời: GS. Phạm Song, GS. Dương Quang Trung và đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo.  

Những thành tích nổi bật:

-   Tiếp tục huy động các nhà khoa học hoàn thành cuốn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam.

-   Tổ chức được 31 đoàn Lãnh đạo và Thường trực Tổng hội cùng với các nhà khoa học đầu ngành của các chuyên khoa xuống 31 địa phương ở vùng sâu vùng xa báo cáo: các kiến thức y học cập nhật, những chủ chương mới của Đảng trong công tác y tế, vấn đề y đức y nghiệp.

-   Nhờ những công tác về các địa phương nên trong nhiệm kỳ này đã thành lập hoặc tái thành lập được 7 Hội Y học địa phương.

-   Lần đầu tiên Tổng hội đã thu hội phí, phát thẻ hội viên đến các Hội Y học. Nếu việc này được làm tốt sẽ tăng thêm ý thức hội cho từng Hội viên và Hội thành viên.

-   Củng cố công tác văn phòng Trung ương Hội, đưa ra các quy chế và quy định về công tác văn phòng. Quyết tâm đưa văn phòng làm cầu nối có hiệu quả giữa Trung ương Hội và các Hội thành viên trong Tổng hội.

Sáu mươi năm hoạt động trong sự biến động mạnh mẽ của đất nước, Tổng Hội Y học Việt Nam đã qua 15 lần Đại hội. Mỗi lần Đại hội, Tổng hội đều đã xác định nhiệm vụ cụ thể để góp phần cùng Ngành Y tế tổ chức thực hiện tốt những “góp ý kiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 27-2-1995 gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc.

Hiện nay một nền Y tế phù hợp với nhu cầu của nhân dân và một nền Y học mới gồm y học hiện đại, y học cổ truyền, y học kết hợp hiện đại và cổ truyền đã được xây dựng phát triển ngày một tốt hơn, đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một toàn diện hơn với chất lượng ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ “Thương yêu người bệnh” đã không theo kịp yêu cầu đòi hỏi của nhân dân, xã hội. Hy vọng, với tinh thần đoàn kết được xây dựng qua 60 năm, Tổng Hội tiếp tục thực hiện tốt những góp ý của Bác Hồ và góp phần có hiệu quả trong nâng cao chất lượng “Thương yêu người bệnh”.


TS. Trần Hữu Thăng
Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam

Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
20
Tổng số truy cập:
10.764.877
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành