dy1
English
Tiếng Việt

Giáo sư Trần Hữu Tước

Cập nhật: 10/09/2015
Lượt xem: 8849

 

Giáo sư Trần Hữu Tước sinh ngày 13 tháng 10 năm 1913 tại Bạch Mai Hà Đông (thời gian này Bạch Mai thuộc huyện Hoàn Long, Hà Đông, năm 1942 mới nhập vào Hà Nội). Lúc trẻ ông là một học sinh thông minh học giỏi. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930) thất bại, người trí thức trẻ Trần Hữu Tước đã nghĩ và làm: "Đối với một số thanh niên không gặp được đầu mối để có cơ hội hiểu thêm về thời cuộc thì hầu như hết lối. Ai là người chỉ đường trong lúc bao nhiêu hoài bão ảo mộng của tuổi mới lớn đang rối như bòng bong tơ vò... Chỉ còn biết cái nhục mất nước, khi mang mối hận ngàn thu thì còn sống vui sao được giữa cái bất công áp bức nghèo nàn dốt nát. Phải ra đi thôi. Muốn đi đâu thì đi, cốt sao đi cho thoát. Sang Pháp cũng chỉ là bước đường cùng".

 

GS. Trần Hữu Tước.
 
Và khi đã ở Paris rồi, Trần Hữu Tước chỉ là một thanh niên với tâm hồn ngây thơ mang một ý chí yêu nước chung chung và bơ vơ một mình trong môi trường muôn màu muôn vẻ với bao nhiêu triết lý, bao nhiêu học thuyết, bao nhiêu xu hướng và luận điểm lôi kéo quyến rũ lừa gạt, rất dễ bị cạm bẫy.

Trong điều kiện sống ấy, người trí thức trẻ Trần Hữu Tước vừa đi tìm chân lý, vừa mưu kế sinh nhai, vừa tiếp tục học, đã tự nhủ: "Hãy học nghề cho thành thạo sau này mới có thể phục vụ Tổ quốc, nhân dân". Và khi vào học ở Đại học Y khoa Paris, ông đã tập trung học để cho bằng, cho hơn các đồng nghiệp. Tốt nghiệp đại học năm 1937, ông tiếp tục học và "năm 1940, BS. Trần Hữu Tước đã tốt nghiệp xuất sắc kỳ thi tuyển làm Trợ lý các bệnh viện Paris chuyên ngành Tai Mũi Họng, đã đảm nhận nhiệm vụ Trợ lý thứ nhất của Khoa Tai Mũi Họng các bệnh viện Paris.

Trong thời gian làm trợ lý, BS. Trần Hữu Tước đã tích cực tham gia đều đặn cho việc chuẩn bị kỳ thi Thạc sĩ chuyên ngành Tai Mũi Họng". Đó là chứng nhận của BS. Jacques Marie Lemée, Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Necker và Bệnh viện Hoa Kỳ tại Paris.

Và sau đây là ý kiến của những người được BS. Trần Hữu Tước hướng dẫn: "Tất cả chúng tôi: Lucien Moatti, Serge Thomelin, Jacques Lalande, Paul Loupac de l’Appel, Gaston Kung, Emile Luisoni, Pierre Zumbach de l’UIPE, tự nhận là những môn đệ đã được thầy chúng tôi là GS. Trần Hữu Tước vui vẻ khuyên bảo, động viên khuyến khích, hướng dẫn không khác gì với các học trò của giáo sư ở Viện Tai Mũi Họng".

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với các trí thức tại Hội nghị chính trị hiệp thương năm 1964.
GS.Trần Hữu Tước ngồi bên trái, cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Còn GS. Yves Cachin viết như sau: "Kỷ niệm đầu tiên của tôi là người phụ giáo trẻ Trần Hữu Tước ở Khoa Tai Mũi Họng của Jacques Marie Lemée tại Bệnh viện Nhi khoa ở Paris cao lớn, khôi ngô, tươi cười niềm nở, trình độ tinh thông và có khả năng sư phạm, mổ xẻ khéo tay, ông là một thầy giáo lý tưởng cho một nội trú như tôi. Mười tám tháng cộng sự, hàng ngày giúp tôi nhận thấy lòng nhân đạo, thái độ đôn hậu đối với bệnh nhân cũng như trình độ học vấn của ông.

Ông là một nhà nhân văn theo đúng nghĩa của nó, biết thâu nhận mọi nền văn hóa, hãnh diện về nền văn minh lâu đời của nước mình và nhạy cảm với các thông điệp của nền văn hóa Pháp. Vượt lên số phận của một người dân thuộc địa và thấy được sự o ép cay đắng của thực dân, ông thưởng thức với một tinh thần thoải mái các thông điệp riêng về mặt văn hóa của nước Pháp thời "thế kỷ ánh sáng và của Cách mạng 1789".

Tuy đã đạt được một số kết quả về danh vọng và có một vị trí xã hội được trân trọng như vậy, song "chỉ trong thời gian ngắn thôi, những phút nhàn rỗi, ý nghĩ về đất nước quê hương lại ám ảnh". Thế rồi năm 1945, được tin Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà độc lập, một niềm vui hân hoan tuyệt đối đã đến với ông, Ông viết: "Khi anh Đồng dẫn phái đoàn sang Pháp, tôi mong mỏi được gặp và đã toại nguyện. Tôi đã nói với anh Tô, xin cho về phục vụ. Qua anh Tô, Đảng đã đến với tôi và tôi vẫn nhớ những ngày tháng được gặp Bác. Cho nên tôi về, về nhẹ nhàng trầm lặng. Có người không hiểu, hỏi tại sao tôi lại về? Tôi không trả lời hoặc chỉ trả lời ngắn ngủi: Về Đất nước".

Ông tâm sự: "Đó là cái gì thiêng liêng khôn tả khó nói ra lời, như khi trái tim đang ấp ủ một mối tình tràn ngập bao la cần phải hạ giọng, dịu lời trong đêm khuya vắng". BS. Trần Hữu Tước đã thành bác sĩ của phái đoàn Việt Nam trong thời gian hội nghị Fontainebleau và sau này là bác sĩ riêng của Bác Hồ trong suốt quá trình ở trên thông tấn hạm Dumont d’Urville mà Chính phủ Pháp dùng để đưa Bác từ Pháp về Việt Nam. Trong thời gian ở trên thông tấn hạm, ba trí thức trẻ theo Bác về nước được dự "lớp chính trị đặc biệt" do Bác trực tiếp phụ trách.

Bác còn nhắc: "Tuy ta còn khó khăn, song mọi người đều phải làm sao cho đồng bào ta có đủ cơm ăn, các trẻ không bị thối tai toét mắt, thò lò mũi xanh, chân còng bụng ỏng và ai cũng có thể được đi học" và "nếu không thay đổi cơ cấu xã hội thì làm thuốc giỏi mấy cũng chẳng làm được gì".

Về nước, BS. Trần Hữu Tước được giao nhiệm vụ phụ trách Bộ môn Tai Mũi Họng của Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội. GS. Đặng Hiếu Trưng nhớ lại: "Tháng 11 năm 1946, thực dân Pháp ra mặt khiêu khích, tung hàng đoàn xe gíp, xe háp-tơ-rắc chở đầy lính mũ đỏ hung hăng ầm ầm lao dọc đường Cột Cờ, Tràng Thi. Trong không khí ngột ngạt căng thẳng ấy, tại sân Trường đại học Y khoa ở Lê Thánh Tông vẫn đầy sinh viên trẻ nóng lòng được gặp lần đầu người thầy đầu tiên của Bộ môn Tai Mũi Họng, BS. Trần Hữu Tước vừa theo Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp về nước hồi tháng trước.

Chúng tôi, sinh viên khóa I - II của chính thể dân chủ cộng hòa (1945 - 1946) đều mong được biết mặt và học tập người thầy trẻ tuổi mà đã có uy tín trong y giới ở Paris, đã kiên quyết từ bỏ vinh hoa và sự nghiệp tại thủ đô hoa lệ của Pháp để về quê hương phục vụ Cách mạng trong hoàn cảnh nước nhà đang gặp muôn vàn khó khăn. Buổi học bắt đầu...

Trong hơn một giờ đồng hồ, bài diễn văn khai mạc ngành Tai Mũi Họng bằng tiếng Việt (lúc đó còn dùng tiếng Pháp) của thầy Tước tuy ngắn gọn song súc tích và đầy ý nghĩa đã thực sự chinh phục các sinh viên trẻ. Thầy đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của việc học tập và phát triển ngành chuyên khoa Tai Mũi Họng tại Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của ngành trong sự nghiệp phục vụ sức khỏe nhân dân cũng như nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của ngành".

Tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến bùng nổ. Với lòng chung thủy của mình, BS. Trần Hữu Tước đã đi vào cuộc kháng chiến với một cuộc sống tự nhiên bình thản tuy gặp rất nhiều khó khăn thử thách. Sống trong lòng nhân dân và đồng nghiệp, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng chung một mái nhà tranh tán lá, cùng bộ áo nâu, cùng bì bõm lội nước chạy giặc, cùng một lòng phục vụ bệnh nhân, ông đã học tập được rất nhiều điều bổ ích và có lúc dù bị bệnh nặng ông kiên quyết không vào thành chữa bệnh.

Với tấm lòng kiên trung ấy, mới đầu chỉ có 2 y tá giúp việc, ông vẫn cõng trên lưng ba lô bộ đồ nghề đi kháng chiến xây dựng ngành Tai Mũi Họng. Mới đầu ông xây dựng Bệnh khoa Tai Mũi Họng ở Văn Điển. Giặc chẳng để ông yên, ông cùng khoa chạy giặc qua nhiều nơi rồi vào Liên khu III để nhập với Bệnh viện thực hành Liên khu III - IV. Rồi ông lên Việt Bắc, cùng một vài học trò và cộng sự xây dựng Bệnh viện Tai Mũi Họng ở trong rừng an toàn khu Việt Bắc, phụ trách Tai Mũi Họng Trung ương và Việt Bắc.

Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, ông về tiếp quản Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai. Trong các năm 1954 - 1957, ông xây dựng và phát triển cả Khoa Tai Mũi Họng và Bộ môn Tai Mũi Họng của Trường đại học Y Dược Hà Nội. Từ 1958 - 1969, ông đảm nhiệm thêm chức vụ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Năm 1969 thành lập Viện Tai Mũi Họng và trước đó (1961) thành lập Hội Tai Mũi Họng Việt Nam.

Ông được Thủ tướng Chính phủ cử giữ chức Viện trưởng và được bầu là Chủ tịch của Hội. Ngày nay, chuyên khoa Tai Mũi Họng đã là một chuyên khoa mạnh trong ngành y tế Việt Nam. GS. Võ Tấn đã viết về GS. Trần Hữu Tước như sau: "Chúng tôi coi GS. Trần Hữu Tước là sư tổ của chuyên khoa Tai Mũi Họng hiện đại tuy rằng trước đó ở ngoài Bắc có GS. Đỗ Xuân Hợp và trong Nam có BS. Cao Văn Trí, BS. Nguyễn Tấn Lộc chuyên trị các bệnh Tai Mũi Họng, song các vị này không làm công tác đào tạo, không xây dựng mạng lưới điều trị".

GS. Võ Tấn còn viết: "Ảnh hưởng của GS. Trần Hữu Tước đối với ngành y rất lớn. Sau Hiệp định Genève, nước ta tạm chia làm hai miền Bắc và Nam. Địch tìm mọi cách để lôi cuốn nhân dân theo chúng vào Nam, nhất là đối với trí thức. Một số bác sĩ dao động. Khi gặp nhau câu hỏi đầu tiên là: Cậu ở hay đi? Có người mạnh dạn trả lời thẳng: Sợ gì, Tước nó còn ở được, tại sao mình không ở được. Ý nói là BS. Tước quen sống sung sướng bên Pháp mà còn chịu gian khổ được tại sao chúng mình không bằng anh ấy. Thế là một số bác sĩ ở lại và họ đã đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ".

 

Anh hùng Lao động Trần Hữu Tước (phải) và Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Huê
tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc (12/1966).
 
Vâng, và như vậy ngoài nhiệm vụ xây dựng ngành Tai Mũi Họng, vào tháng 11 năm 1954, để tập hợp các cán bộ y dược ở kháng chiến về, ở miền Nam ra và ở vùng tạm chiếm ở lại với chế độ mới cùng nhau xây dựng nền y học Việt Nam, Chính phủ, Bộ Y tế còn giao cho BS. Trần Hữu Tước, một thầy thuốc đang có uy tín trong giới y một nhiệm vụ nữa, đó là Trưởng ban Vận động thành lập Hội Y học Việt Nam.

Cùng với BS. Hoàng Đình Cầu - Tổng Thư ký, DS. Trương Xuân Nam - Phó Tổng Thư ký, Ban đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt với các đồng nghiệp ở Hà Nội, xây dựng bộ khung tổ chức tương lai của Hội và tiếp nhận căn nhà riêng 2 tầng của BS. Nguyễn Bách dành cho Hội làm trụ sở (nay là số 68 phố Bà Triệu). Ngày 3 tháng 3 năm 1955, 200 đại biểu gồm các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, y sĩ, lương y cả quân y và dân y, cả công và tư đã tổ chức Đại hội thành lập Hội Y học Việt Nam tại Câu lạc bộ Đoàn kết và BS. Trần Hữu Tước được bầu làm Chủ tịch.

Hội Y học lúc đó có 9 ban (Đông y, Nội khoa, Ngoại khoa, Vệ sinh phòng dịch, Nha khoa, Tai Mũi Họng, Tinh Thần kinh, Dược), 4 chi hội (Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Khu tự trị Việt Bắc) với 1.342 hội viên (1.134 y bác sĩ, 185 dược sĩ cao - trung cấp, 23 nha sĩ, trong đó có 428 quân dược sĩ cao - trung cấp).

Trong Đại hội thường niên (nhiệm kỳ II) năm 1956, Chủ tịch Trần Hữu Tước có thư gửi Hồ Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam báo cáo về kết quả một năm hoạt động của Hội "đã đạt được một số kết quả đầu tiên trong việc xây dựng nền y học nước nhà, xứng đáng với một nước đứng trong khối các nước dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa,... và hứa sẽ đoàn kết toàn giới y học để thực hiện kế hoạch năm 1956,... và khai thác vốn y học dân tộc là nền Đông y". Đại hội nhiệm kỳ III đã quyết định tách Ban Đông y để thành lập Hội Đông y.

Trong Đại hội IV nhiệm kỳ 1958 - 1960, Chủ tịch Trần Hữu Tước đã có phát biểu sau: "Trong 3 năm qua, từ ngày thành lập Hội trong điều kiện và thời gian mà chúng ta đã biết, để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của hoàn cảnh, Hội chúng ta đã có một hướng hoạt động, một hình thức tổ chức và một số công tác cụ thể cần thiết phải làm trong thời gian đó. Hội đã có những tác dụng nhất định, đã đạt được một số kết quả trong những công tác mà những đại hội trước đề ra trong từng lĩnh vực hoạt động, trong từng thời gian của quá trình phát triển Hội.

Trong mỗi thời kỳ tiến triển tất nhiên có một hướng hoạt động và một nội dung công tác để đáp ứng với tình thế của thời cuộc. Hiện giờ một lĩnh vực của Hội và một số nội dung công tác của Hội đã có một giá trị lịch sử rồi. Trong giai đoạn mới, Hội ta cần có một hướng hoạt động mới và đi đôi với hướng hoạt động mới đó cần có một sửa đổi về tổ chức".

Chủ tịch cũng đã gửi thư cho anh chị em y dược ở hải ngoại, cho anh chị em y dược ở miền Nam, giới thiệu về nền y tế Việt Nam mới, về hoạt động của Hội trong đó có: "Hội đã bước đầu đạt được cơ sở nghiên cứu Đông y một cách khoa học để khai thác vốn quý vô tận của dân tộc". Đại hội đã bầu GS. Hồ Đắc Di làm Chủ tịch Hội (BS. Trần Hữu Tước nhận nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai từ 1958 - 1969 và là Phó Chủ tịch Hội tới năm 1983).

Hội Y học Việt Nam đã phát triển theo với sự phát triển của đất nước. Mỗi giai đoạn phát triển của đất nước có một trọng tâm công tác, đã nhiều lần đổi tên (Tổng hội Y học, Tổng hội Y Dược học, nay là Tổng hội Y học) và nay đang phấn đấu trở thành một Hội xã hội nghề nghiệp đúng nghĩa của nó để góp phần xây dựng ngành y tế Việt Nam hiện đại và nền y học Việt Nam kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.

Hôm nay nhân ngày sinh thứ 100 của GS. Trần Hữu Tước, chúng ta họp mặt ở đây để ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của GS. Trần Hữu Tước. Qua cuộc đời và sự nghiệp của người có công đầu trong xây dựng và phát triển chuyên khoa Tai Mũi Họng ở Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam, ta có thể thấy xuyên suốt cả cuộc đời là tình yêu đất nước và mong mỏi được phục vụ Tổ quốc và nhân dân, đó cũng là mục tiêu phấn đấu suốt đời của Giáo sư.

Mục tiêu này trong thời kỳ Pháp thuộc còn chung chung, được khẳng định khi nghe tin Cách mạng Tháng Tám thành công và ngày càng sáng tỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ.

Với mục tiêu bất biến đó, Giáo sư đã về nước một cách nhẹ nhàng, thầm lặng, đã rất tự nhiên, bình thản đi vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đã dùng nó để vượt qua vạn biến, mọi gian nan thử thách và đã để lại cho chúng ta một tấm gương về phẩm giá của người trí thức Việt Nam yêu nước, một đảng viên được Bác Hồ trực tiếp tuyển chọn và bồi dưỡng. Giáo sư cũng đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp tồn tại mãi mãi trong ngành y tế và trong Tổng hội Y học Việt Nam.


 
GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng 
Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam
Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
2
Tổng số truy cập:
9.404.191
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành