dy1
English
Tiếng Việt

BƯỚC TIẾN MỚI TRONG KHOA HỌC THẦN KINH – THÀNH TỰU TRONG ĐIỀU TRỊ ĐAU VÀ TRẦM CẢM BẰNG CÁC THANG ĐO

Cập nhật:
Lượt xem:
Chương trình được điều hành bởi PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam; PGS.TS. Trần Văn Cường, Phó chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội tâm thần học Việt Nam; TS.BS. Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam; BS.CKII Thần kinh học Lê Minh, Chủ tịch Hội Bệnh Parkinson và rối loạn vận động Việt Nam; BS.CKI Tâm thần học Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, Chủ tịch Hội tâm thần học HCM cùng với sự tham gia của 9 báo cáo viên, là các chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực như cơ xương khớp, nội thần kinh, ngoại thần kinh, nội tiết, tim mạch, tâm thần và hơn 300 cán bộ y tế từ 14 tỉnh thành trên cả nước.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên phát biểu khai mạc hội nghị.
9 báo cáo khoa học xoay quanh những bệnh lý quen thuộc, phổ biến trên lâm sàng như bệnh lý cơ xương khớp, đột quỵ, chấn thương cột sống, đái tháo đường, tim mạch nhưng lại khai thác ở một khía cạnh mới, từ góc độ thần kinh học, tâm thần học, mang lại cho các cán bộ y tế nhiều thông tin mới mẻ, hữu ích, cập nhật. Xuyên suốt các bài báo cáo, ngoài việc cập nhật kiến thức, chỉ ra những hạn chế có thể cải thiện trong thực hành lâm sàng, các báo cáo viên còn nhấn mạnh một thông điệp quan trọng, đó là sự cần thiết của việc áp dụng y học dựa trên bằng chứng vào lâm sàng nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân đau và trầm cảm.

Y học dựa vào bằng chứng là một khái niệm không còn xa lạ với các cán bộ y tế, nói đơn giản là nền y học được xây dựng dựa trên nền tảng khoa học, được Bộ Y tế và các cơ quan quản lý y tế khuyến khích áp dụng và phát triển nhằm nâng cao tính chính xác và chất lượng chăm sóc của ngành y tế.

Sự ra đời của các công cụ cận lâm sàng đã làm nên một cuộc cách mạng của y học hiện đại. Đây chính là những ví dụ điển hình nhất của việc áp dụng y học dựa trên bằng chứng vào lâm sàng và những lợi ích mà chúng mang lại đã làm thay đổi toàn bộ nền y học. Việc đo huyết áp cho bệnh nhân tăng huyết áp, chụp X-quang cho bệnh nhân nghi ngờ viêm phổi, chỉ định MRI cho bệnh nhân đột quỵ để xác định loại và vị trí tổn thương,… đã trở thành một phần tất yếu, quen thuộc trong thực hành lâm sàng thường quy. Thậm chí, người ta còn nói nền y học hiện đại là nền y học lệ thuộc vào máy móc và các thiết bị xét nghiệm.
Bên cạnh công cụ cận lâm sàng, nghiên cứu lâm sàng chính là một phần không thể thiếu của y học dựa vào bằng chứng. Kinh nghiệm lâm sàng có phải là bằng chứng khoa học? Có, bởi vì nó được đúc kết từ sự quan sát, học tập miệt mài của các bác sĩ qua hàng ngàn ca bệnh, đây chính là những nghiên cứu ca bệnh, loạt bệnh được thống kê và báo cáo trong các ấn phẩm khoa học. Nhưng kinh nghiệm lâm sàng có phải bằng chứng đáng tin cậy? Không hẳn, bởi vì nó không được thiết kế một cách bài bản, không đảm bảo sự ngẫu nhiên, mang màu sắc chủ quan của người quan sát và không loại bỏ được nhiều yếu tố gây nhiễu,… Kinh nghiệm lâm sàng, do đó, là bằng chứng khoa học có mức độ tin cậy thấp nhất. Đó là lý do vì sao các bác sĩ luôn được hướng dẫn phải tuân thủ các hướng dẫn điều trị. Bộ Y tế ban hành hướng dẫn điều trị quốc gia, bệnh viện ban hành hướng dẫn điều trị cơ sở bởi một lý do rất đơn giản, hướng dẫn điều trị chính là cây cầu nối lâm sàng với những bằng chứng khoa học mạnh nhất. Khuyến cáo của mỗi hướng dẫn điều trị đều được xây dựng dựa trên sự tổng hợp kết quả của những bằng chứng có độ tin cậy tốt nhất, từ phân tích gộp, tổng quan hệ thống cho đến thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng. Thay vì dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm lâm sàng, dựa vào khuyến cáo từ các hướng dẫn điều trị và áp dụng một cách phù hợp vào tình hình lâm sàng chính là biện pháp để có hiệu quả điều trị tốt nhất và giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân cũng như bác sĩ.

Đau và trầm cảm cũng không ngoại lệ, là lĩnh vực mà y học dựa vào bằng chứng thực sự có thể tạo nên những thay đổi mang tính đột phá. Tương tự như một bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lipid máu nếu có chỉ số lipid máu vượt ngưỡng cho phép, một bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm khi có điểm số PHQ-9 >5, một bệnh nhân được chẩn đoán đau thần kinh khi có điểm số DN4 ≥4. Các thang điểm này không chỉ hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán mà còn là công cụ đắc lực trong việc theo dõi đáp ứng của bệnh nhân. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính của những thang điểm này so với các xét nghiệm cận lâm sàng chính là độ nhạy, độ đặc hiệu của nó thấp hơn, không đạt ngưỡng xấp xỉ 100% như các loại máy móc, thiết bị, đó là lý do vì sao trong đau và trầm cảm, phán đoán dựa trên kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ luôn đóng vai trò then chốt. Then chốt không có nghĩa là phán đoán lâm sàng này có thể thay thế hoàn toàn vai trò của các thang điểm. Các nghiên cứu đã chứng minh việc sử dụng thang điểm trong điều trị đau và trầm cảm rất hữu ích trong việc gia tăng hiệu quả điều trị, tỷ lệ thành công và sự tuân thủ của bệnh nhân. Giáo sư Sheehan, một nhà tâm thần học danh tiếng, cha đẻ của bảng thang điểm SDS (Sheehan disability scale) đã khẳng định: “Các bác sĩ nên đưa các thang điểm cho bệnh nhân trầm cảm của mình và yêu cầu họ hoàn thành nó trước khi vào khám, chỉ mất 5 phút, giống như việc y tá sẽ đo huyết áp cho bệnh nhân trước khi họ vào gặp bác sĩ vậy”. Có thể nói, trong đau và trầm cảm, các thang điểm đóng vai trò như những xét nghiệm cận lâm sàng tin cậy, là những chỉ dấu hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho bác sĩ.
TS.BS Trương Hồng Sơn chủ trì tại HN.
Một điều khác mà y học dựa vào bằng chứng có thể giúp cải thiện, thậm chí là tạo nên bước đột phá trong điều trị đau và trầm cảm, đó là áp dụng khuyến cáo của các hướng dẫn điều trị nhằm gia tăng tỷ lệ thành công và hiệu quả điều trị. Một con số đáng lo ngại của thực tế điều trị lâm sàng trong đau và trầm cảm, đó là 40% bệnh nhân đau không hài lòng với hiệu quả giảm đau, 40-60% bệnh nhân trầm cảm thất bại với thuốc điều trị đầu tay,…Điều trị đau và trầm cảm có nhiều thách thức, nhưng không thể phủ nhận có nhiều khiếm khuyết mà chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được. Một bác sĩ nắm rõ các hướng dẫn về điều trị đau sẽ không bao giờ kê NSAIDs cho một bệnh nhân đau thần kinh. Một bác sĩ hiểu rõ các hướng dẫn về điều trị trầm cảm sẽ không đợi tới tuần thứ 6, tuần thứ 8 mới bắt đầu đánh giá đáp ứng của bệnh nhân và điều chỉnh điều trị.
Thông điệp của chương trình đã được truyền tải một cách đầy đủ đến các cán bộ y tế tham dự, ngay từ tên của chương trình “Bước tiến mới trong khoa học thần kinh: Thành tựu trong điều trị đau và trầm cảm bằng các thang đo” cho đến báo cáo của từng báo cáo viên, tuy khác nhau về chủ đề nhưng tựu chung, đều nhấn mạnh lợi ích của việc áp dụng y học dựa trên bằng chứng vào thực hành lâm sàng thường quy.
PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên trao giấy chứng nhận tại HN

Cuối chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, PGS.TS. Trần Văn Cường, TS.BS. Trương Hồng Sơn, BS.CKII. Lê Minh, BS.CKI. Trịnh Tất Thắng đã long trọng trao giấy chứng nhận đào tạo y khoa liên tục (tương đương 8 giờ đào tạo) của Tổng Hội Y học Việt Nam cho các cán bộ y tế tham dự tại Hội trường, kết thúc thành công một ngày Hội nghị chất lượng, lý thú và hữu ích.

Sự thành công của Chương trình đào tạo y khoa liên tục lần này chính là tiền đề quan trọng để Tổng Hội Y học Việt Nam tiếp tục phát triển, tổ chức những chương trình bổ ích khác trong thời gian tới cho các cán bộ y tế trên lĩnh vực thần kinh - tâm thần nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.
Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
22
Tổng số truy cập:
10.710.815
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành