dy1
English
Tiếng Việt

Để không còn nhân viên y tế nào lương không đủ sống

Cập nhật:
Lượt xem:

Đối thoại chính sách: Để không còn nhân viên y tế nào lương không đủ sống

Hướng tới kỷ niệm ngày Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02, trong chương trình Đối thoại chính sách, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ cùng các vị khách mời nhìn lại những cống hiến của các y bác sỹ thời gian qua, nhất là trong hơn 2 năm đối mặt với đại dịch; đồng thời phân tích, bình luận, làm rõ hơn thực tiễn, nhóm giải pháp liên quan đến chế độ chính sách, đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên y tế.

Trong thư gửi tới ngành Y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng”. 

Trong suốt hơn 2 năm qua đất nước chúng ta đã phải chịu đựng sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid -19, chính vì vậy những đóng góp, hy sinh của các y, bác sỹ càng đặc biệt hơn, đáng trân trọng hơn. Có những y, bác sỹ sẵn sàng lao vào tâm dịch trong thời điểm nóng bỏng nhất, chấp nhận để lại phía sau gia đình, người thân và cả sự an toàn tính mạng của mình. Có lẽ nói bao nhiều cũng không diễn tả được hết những đóng góp, hy sinh của các y bác sỹ trong công tác phòng chống dịch, nhưng điều chúng ta đang nói nhiều đến là chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y bác sỹ chưa thực sự thỏa đáng. 

BƯỚC CHÂN THẦM LẶNG CỦA CÁC Y, BÁC SỸ TUYẾN ĐẦU

Ắt hẳn nhiều người còn nhớ những âm thanh, hình ảnh của các thiên thần áo trắng ngày đêm chăm sóc, tận tình chữa trị người bệnh bị nhiễm Covid-19 trong suốt thời gian qua. Và đã có thời điểm khi dịch đạt đến đỉnh điểm, phải cần sự chi viện của các bác sĩ tại các tỉnh thành, đó cũng là lúc đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế không chút e dè, không quản ngại, không chùn bước và đã gắn bó với những vất vả thường nhật khi tham gia công tác phòng, chống dịch. Và những ngày tháng tăng cường chi viện đó sẽ là kỷ niệm không bao giờ có thể quên đối với các y bác sĩ.

Bác sĩ LÊ VĂN THIỆU, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương:“Ngay từ khi nhận được thông tin sẽ tăng cường miền Nam thì tất cả các nhân viên y tế và các y bác sĩ đều trong trạng thái sẵn sàng là mình có thể đi bất cứ lúc nào và thậm chí là có thể lên đường ngay với tinh thần là tất cả mọi người sẽ chia sẻ công việc. Bởi vì bình thường số lượng công việc đã nhiều thì nay sẽ phải cắt bớt một phần cho Sài Gòn, các bạn nhân viên y tế rất nhiều người đã hy sinh ngày nghỉ, nghĩa là lẽ ra họ sẽ được ra nghỉ thì các bạn sẽ ko ra nghỉ nữa để bù đắp sự thiếu hụt về nhân lực để những người đi yên tâm công tác”

Không chỉ bác sỹ Thiệu mà hầu như tất cả những người khoác áo blue trắng khi lựa chọn con đường cứu người đều không mảy may suy nghĩ hay tính toán về những gì mình sẽ được nhận lại. Tất cả chỉ có chung một mục đích duy nhất là vì đồng bào, cứu đồng bào. Kể cả khi chính họ phải nghe tin hay chứng kiến sự ra đi mãi mãi của các đồng nghiệp.

Bác sĩ LÊ VĂN THIỆU, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: “Tất cả mọi người về cơ bản đều coi đó là phần công việc và cũng là trách nhiệm của mình. Mọi người thường thường động viện nhau đó là nghề hoặc sứ mệnh đã chọn mình. Đó là trách nhiệm. Khi vào Sài Gòn bắt đầu nghe thông tin 3 nhân viên y tế đầu tiên mất về đại dịch và cùng số các bạn tình nguyện viên và những người chi viện, hỗ trợ khác thì về cơ bản tất cả mọi người đều cảm nhận thấy sự khủng khiếp của đại dịch, nó có thể xảy ra với chính bản thân mình. Tuy nhiên, mọi người thường động viên nhau cố gắng, ko còn cách nào khác phải cố gắng nỗ lực hơn, càng cố gắng cứu được nhiều người càng tốt.”

Ths. Bác sĩ NGUYỄN TRUNG CẤP, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: “Khi lao vào cuộc chiến ai cũng sẽ có những vất vả và khó khăn và thậm chí là nguy hiểm. Tôi nghĩ tất cả những người bác sĩ khi bước vào trận chiến đều xác định 1 chuyện không may sẽ xảy ra với bất kỳ một ai đó. Cho nên dù sao đi nữa đây cũng là 1 thiệt thòi, hy sinh phần lớn của ngành y.”

Có nhiều lúc một y, bác sỹ phải chăm lo sức khỏe cho hàng chục thậm chí hàng trăm bệnh nhân nhưng với họ không có từ lùi bước, nản lòng vì họ coi đây là vinh dự khi được sống trong những thời khắc lịch sử của dân tộc và ngành Y.

GS.TS NGUYỄN ANH TRÍ, Nguyên Viện Trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương: "Tôi đã từng gặp mặt cán bộ đó tại bệnh viện chống dịch, tôi gặp cả đội ngũ chống dịch xong, cách ly xong, họ quay về nhà thì nói thật nhiều khi chảy nước mắt vì sự hy sinh của họ. Tôi xin nói, đồng tiền lương không bao giờ đủ cả, thù lao cũng vậy mà cái đóng họp của họ còn cao hơn rất nhiều.”

Không ai có thể đong đếm hết những khó khăn, hy sinh vất vả của đội ngũ y tế đã và đang phải gồng mình chống dịch trong suốt thời gian qua. Những con người đó đã gác lại cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình, vì sức khoẻ và hạnh phúc của nhân dân với nhiều hình ảnh rất cảm động, khó có từ ngữ nào diễn tả hết.

QUÊN MÌNH VÌ BỆNH NHÂN

Đã hơn hai năm, kể từ khi dịch bệnh Covid - 19 xuất hiện, Bác sĩ Hoàng Trọng Tuệ, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã phải tạm gác lại việc sum họp gia đình, vui xuân đón Tết. Thay vào đó, anh phải túc trực cùng các đồng nghiệp để theo dõi sức khỏe và điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch như thế này. Năm nay cũng vậy, Giáp Tết Nguyên đán, số ca mắc mới ngày càng tăng, Bệnh viện - nơi anh công tác là tuyến cuối của thành phố Hà Nội tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nặng nên đối với anh và các đồng nghiệp ở đây mong muốn được về ăn tết cùng gia đình là điều không thể.

Bác sĩ Hoàng Trọng Tuệ - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: “Trong thời gian qua, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân… Áp lực công việc rất lớn, đặc biệt trong những ngày tết, bệnh nhất rất đông diễn tiến rất nặng, chúng tôi cố gắng đảm nhiệm tốt công việc chuyên môn để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe để họ trở về ăn Tết”.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Minh Hiệp - Quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội: “Tôi cảm nhận từ đáy lòng mình rằng các bác sỹ ở đây họ rất vất vả. Thực tế tôi nhìn thấy họ chăm sóc chu đáo lắm. Tôi rất xúc động không biết nói gì hơi vì giữa sự sống và cái chết nó cận kề lắm thế mà các bác sỹ đã cứu sống được tôi như ngày hôm nay”.

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang là bệnh viện chủ công trong tuyến đầu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Vì là tuyến đầu nên cường độ làm việc cao là điều đã quá quen thuộc với "người lính áo trắng" nơi đây.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế: “Những con người này thực sự đại diện cho ngành y tế cả nước. Các bác sĩ, điều dưỡng, người tham gia phòng chống dịch đều tận tâm, tận tụy, đức tính hi sinh. Khi có dịch lớn, ngành y tế tập trung chuyên gia giỏi nhất vào tuyến đầu. Tất cả anh em tham gia trận tuyến đó đều rất sẵn sàng, đâu có lệnh là lên đường mà không hoang mang, dao động”.

Dù có những áp lực nhưng các y bác sĩ vẫn ngày đêm túc trực, sẵn sàng cho cuộc chiến với COVID-19. Với những y bác sĩ ở tuyến đầu không coi công việc của mình là đặc biệt mà chỉ nghĩ đó là trách nhiệm của người thầy thuốc. Và trước dịch bệnh, họ lựa chọn cách tập trung vào chuyên môn và động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo số liệu nghiên cứu "Tác động của đại dịch COVID-19 với sức khỏe và điều kiện kinh tế, xã hội, việc làm của cán bộ y tế" do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát trên 2.700 nhân viên y tế cả nước tính tới hết tháng 12/2021 cho thấy, hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Hơn 80% không thể chi trả hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình. 

Đại dịch COVID-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng những "chiến sĩ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người. Sự hy sinh đó nói bao nhiêu cũng không đủ! Các y, bác sỹ xứng đáng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa cả về vật chất và tinh thần để có thể thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

Trong chương trình Tọa đàm lần này, TS.Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc bệnh viện Phổi trung ương sẽ có những trao đổi liên quan đến việc ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ dành cho đội ngũ y bác sỹ; những vướng mắc, tồn tại trên thực tế khi nhiều chính sách chậm được triển khai, nguyên nhân và đề xuất giải pháp  trong việc điều chỉnh hệ số lương, phụ cấp đặc thù cho ngành y, các giải pháp hỗ trợ khác để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ y bác sỹ, để họ yên tâm công tác, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hiệu quả của hệ thống y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Kính mời quý vị và các bạn lắng nghe những chia sẻ của các khách mời trong chương trình trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và website quochoitv.vn

Thực hiện : Tiến Dũng - Lê Huy


Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
5
Tổng số truy cập:
10.871.305
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành