dy1
English
Tiếng Việt

Một số nội dung mới của Luật An toàn vệ sinh lao động 2016

Cập nhật:
Lượt xem:

Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động. Luật gồm 7 Chương và 93 Điều, quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Một số chính sách lớn và mới trong Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. 

Những điểm mới của Luật An toàn vệ sinh lao động 2015

Theo đó, một số nội dung được pháp điển hóa lên từ những quy định ở các Nghị định, Thông tư  hướng dẫn thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động theo Bộ Luật Lao động, và một số nội dung mới được bổ sung so với chính sách hiện hành là:


1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng.

Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 1, mở rộng đối với tất cả các tổ chức cá nhân có liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, mở rộng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động, người lao động được quy định tại Điều 6, Điều 7; trong đó, lần đầu tiên quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Ngoài ra, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ về an toàn vệ sinh lao động như đối với người lao động Việt Nam.

Lần đầu tiên quy định người lao động không có quan hệ lao động được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 6 (theo hình thức tự nguyện và có sự hỗ trợ của Nhà nước tùy theo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và khả năng ngân sách).

Luật cũng lần đầu tiên quy định cụ thể quyền, trách nhiệm an toàn vệ sinh lao động của tổ chức Công đoàn, Hội Nông dân Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của mặt trận và các tổ chức xã hội khác quy định tại Điều 8, 9, 10,11.

2. Chế độ, chính sách bảo hộ lao động nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Luật quy định các biện pháp tổ chức, quản lý liên quan trực tiếp tới quyền lợi người lao động được chi tiết từ Bộ luật lao động, bao gồm: trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động, bồi dưỡng bằng hiện vật, khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; bổ sung thêm các quy định về nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, giới hạn thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, có hại, điều dưỡng phục hồi sức khỏe và việc quản lý sức khỏe người lao động.

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc cung cấp thông tin an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, người đến thăm quan, làm việc, học nghề, tập nghề tại cơ sở của mình; trách nhiệm cung cấp thông tin về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động kèm theo sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng trong quá trình lao động, sản xuất,…

3. Về tai nạn lao động và chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
 

Bổ sung quy định các trường hợp đặc biệt được hưởng chế độ như đối với người bị tai nạn lao động, bao gồm: bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn; bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn.

 

4. Về quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.


Về quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Luật quy định cụ thể về nguyên tắc, đối tượng tham gia, mức đóng quỹ; các chế độ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó không tăng thêm mức đóng từ phía người sử dụng lao động vào quỹ (vẫn là 1% tổng quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội); đồng thời bổ sung thêm các nội dung chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với các nội dung như: hỗ trợ học phí; khám chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo yêu cầu của cơ quan BHXH; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các đối tượng tại khoản 1, 2 Điều 14.


5. Chế độ khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố nghiêm trọng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:


Bổ sung thêm quy định trách nhiệm khai báo tai nạn lao động chết người đối với người lao động không có hợp đồng lao động; trách nhiệm thống kê, báo cáo tai nạn lao động chết người của Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp huyện.


“Khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc bị thương nặng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp xử lý.


Trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp huyện và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn để kịp thời có biện pháp xử lý.


Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì người phát hiện có trách nhiệm kịp thời khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi xảy ra sự cố kỹ thuật và việc báo cáo thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 của Luật này”.


6. Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.


Quy định về Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động: là tổ chức tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ thành lập.


Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh là tổ chức tư vấn cho Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương. Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.


Hiện nay Luật an toàn, vệ sinh lao động đã có 03 Nghị định hướng dẫn thực hiện (hiệu lực từ ngày 01/7/2016) như sau:

- Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính Phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

- Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính Phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động

- Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính Phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường vệ sinh lao động.


Ngoài ra Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 87/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 về tháng hành động an toàn vệ sinh lao động, theo đó từ năm 2017 lấy tháng 5 hàng năm là Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, không còn thực hiện Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.
 

Theo Lao động thủ đô

Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
3
Tổng số truy cập:
9.652.416
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành