dy1
English
Tiếng Việt

Nguy hiểm 'ẩn' từ tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ

Cập nhật: 05/06/2015
Lượt xem: 1835


Cũng theo kết quả của cuộc tổng điều tra này, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở những thành phố lớn đã lên đến 6,5% và đang có xu hướng tăng lên.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện nghiên cứu Y - Xã hội học, béo phì ở trẻ em có liên quan đến các rối loạn về chuyển hóa. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch và các bệnh mãn tính khác ngay khi trẻ còn nhỏ cũng như lúc trưởng thành. "Theo một số nghiên cứu tại Việt Nam có trên 20% trẻ béo phì bị tăng huyết áp", Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết.
Ngoài ra, béo phì khi nhỏ còn thường dẫn tới tình trạng insulin máu cao, dần dần mất kiểm soát glucose máu, không dung nạp glucose khẩu phần và hậu quả là bệnh đái tháo đường tuýp 2. Béo phì ở trẻ em cũng liên quan tới tăng triglyceride và giảm HDL-Cholesterol. Nghiên cứu của Yoshinaga (2005) cho thấy có 17,7% trẻ béo phì mắc hội chứng chuyển hóa, con số này ở Mỹ là 28,7% và Trung Quốc 27,7%. Nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy có đến 30% trẻ béo phì sẽ trở thành người béo khi trưởng thành kèm theo các rối loạn bệnh lý có liên quan khác.
Việc phòng và kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ rất quan trọng. Song không ít người hiện nay nuôi con theo tâm lý "trừ hao" - thà béo một chút đến khi ốm gầy đi là vừa; hoặc thích con càng mũm mĩm càng tốt. Điều đó cùng với việc chưa biết cách nhận diện dấu hiệu béo phì ở trẻ nên hầu hết các gia đình đều phát hiện tình trạng thừa cân của con khi đã muộn. Bởi lúc đó, trẻ đã có nguy cơ mắc các bệnh lý trên.
 
 
 
Để nhận biết trẻ có bị béo phì hay không, cha mẹ có thể download miễn phítại đây bảng đánh giá chiều cao - cân nặng từng lứa tuổi của Tổ chức Y tế thế giới. Trong đó, phụ huynh chọn phần simply table cho các chỉ số weight for age (cân nặng theo tuổi), height for age (chiều cao theo tuổi), weight for height (cân nặng so với chiều cao). Căn cứ vào kết quả, gia đình có thể biết trẻ có phát triển cân đối không. Trị số median là cân nặng chuẩn của trẻ ở lứa tuổi này, tốt nhất là bé có chỉ số nhân trắc trong khoảng -1SD đến +1SD. Những trẻ có giá trị về nhân trắc nhỏ hơn -2 SD là suy dinh dưỡng, từ -1SD đến -2 SD là báo động suy dinh dưỡng. Đánh giá thừa cân hay không cần dựa vào chỉ số cân nặng theo chiều cao, tuy nhiên nếu bà mẹ thấy con có chỉ số cân nặng theo tuổi lớn hơn 2SD cũng là một dấu hiệu là trẻ có cân nặng tăng cao so với tuổi và có thể thừa cân, béo phì.
Thấy con chịu ăn nhiều đồ béo và giàu năng lượng như gà rán, váng sữa,… và thân hình ngày càng tròn trĩnh hơn, lúc đầu chị Hạnh, nhà ở Khâm Thiên, Hà Nội rất tự hào. Nhưng sau thấy con thích ăn đến độ hãm không được, suốt ngày khóc lóc đòi ăn thêm thì vợ chồng chị hoảng. Đưa con đi khám, chị mới hay: cu Sin đã bị béo phì. Không chỉ gặp khó trong việc giảm nhu cầu ăn uống của con, gia đình chị Hạnh còn phải đối mặt với nguy cơ Sin bị huyết áp cao, tiểu đường trong tương lai gần...
"Thằng bé mới 5 tuổi mà huyết áp đã 120/80mmHg, dấu hiệu rối loạn chuyển hóa đường cũng bắt đầu xuất hiện... Nhưng cứ bị cấm ăn, nhất là của ngọt, là cháu khóc vật vã như ai đánh", chị Hạnh kể.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết: có nhiều yếu tố phức tạp tác động và dẫn đến việc thừa cân, béo phì ở trẻ. Đó có thể là mất cân bằng năng lượng, di truyền, tâm sinh lý, kinh tế-xã hội, môi trường và hành vi. Trong đó khẩu phần ăn dư thừa năng lượng và thiếu hoạt động thể lực là các nguyên nhân thường gặp nhất.
Loi_ich_sua_chua_2.jpg
Chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý và khoa học cho trẻ nhỏ là lời khuyên chung của chuyên gia nhi khoa và dinh dưỡng dành cho các bậc phụ huynh. Ảnh minh họa.
 
Do đó, cách kiểm soát và phòng ngừa tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ như sau:
- Dinh dưỡng hợp lý: Chăm sóc dinh dưỡng từ trong bụng mẹ bằng chế độ ăn hợp lý cho phụ nữ có thai và bổ sung đa vi chất dinh dưỡng để tăng cân trong khoảng 9 -12kg và đảm bảo đủ chất. Khi chào đời trẻ nên được bú sữa mẹ hòan toàn trong 6 tháng đầu. Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung cần có khẩu phần ăn hợp lý đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ-vitamin-khoáng chất). Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn rau quả, sữa chua, trái cây, hạn chế sử dụng thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống nhiều đường.
- Tăng cường hoạt động thể lực: Các bé nên tăng cường vận động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo lứa tuổi, hạn chế ngồi xem ti vi, chơi điện tử và thức quá khuya.
- Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi tốc độ tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ.
Xuân Ngọc
 

Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
17
Tổng số truy cập:
10.709.743
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành