SKĐS - Trải qua 4 đợt dịch bùng phát, Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế -xã hội dần trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trrong khi đó, các bệnh không lây nhiễm cũng đang là gánh nặng "kép" gây thách thức lớn trong công tác phòng chữa bệnh.
5 vấn đề y tế trọng tâm của y tế Việt Nam cần chung tay giải quyết trong thời gian tới
Đây là nội dung được đề cập tại hội nghị Hội nghị khoa học thường niên năm 2021 với chủ đề "Đại dịch COVID-19 và phòng chống các bệnh không lây nhiễm: Chuyên đề Hô hấp, Tim mạch, Ung thư, Đái tháo đường, Tâm thần và Bệnh hiếm" diễn ra ngày 12/11/2021 tại Hà Nội, do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức diễn ra trong 1 ngày.
Hội nghị được tổ chức theo 2 hình thức: Tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và Tổ chức trực tuyến thông qua đầu cầu tại các Sở Y tế gồm Hội Y học, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, CDC các tỉnh, thành phố, Bệnh viện huyện và các cán bộ y tế trên toàn quốc.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Hội y học các nước Đông Nam Á nhiệm kỳ 2018-2021, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Hội y học các nước Đông Nam Á nhiệm kỳ 2018-2021, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Hội y học các nước Đông Nam Á nhiệm kỳ 2018-2021, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: Dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2020, trải qua 4 đợt dịch bùng phát, Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội dần trở về trạng thái bình thường mới.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên cũng cho biết, Hội nghị với các bài trình bày của các báo cáo viên là các chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực Truyền nhiễm, Hồi sức cấp cứu và chống độc, Tim mạch, Ung thư, Đột quỵ, Nội tiết và Đái tháo đường, Hô hấp, Tâm thần...
Hội nghị cũng là cơ hội cập nhật kiến thức y khoa, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chính phủ: Chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Các chuyên gia cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn trong phòng chống dịch COVID-19 và phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
PGS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Video: PGS. TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua hội nghị rất mong các chuyên gia với kinh nghiệm, sự tâm huyết và trách nhiệm tiếp tục chung sức, đồng lòng, bằng những hành động thiết thực, khả thi và hiệu quả sẽ cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, tại hội nghị lần này quan tâm nhiều hơn tới 5 vấn đề y tế trọng tâm của y tế Việt Nam để các nhà khoa học nghiên cứu, chung tay giải quyết trong thời gian tới.
Thứ nhất: Dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi đang diễn biến nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực còn hạn chế.
Thứ hai: Thách thức trước vấn đề ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm đang là yếu tố nguy cơ hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người Việt Nam.
Thứ ba: Tình trạng kháng thuốc và nhiễm khuẩn bệnh viện do kháng thuốc là một thách thức cho ngành y tế Việt Nam hiện nay. Sự xuất hiện các loại vi khuẩn đa kháng hoặc siêu kháng thuốc đang là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe con người.
Thứ tư: Sự gia tăng các bệnh liên quan đến xã hội trong giai đoạn hiện nay như bệnh tự kỷ, rối loạn tâm trí, dinh dưỡng, già hóa dân số sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật trong giai đoạn tới của Việt Nam.
Thứ năm: Sự biến đổi của môi trường, khí hậu, mô hình bệnh tật và yêu cầu hội nhập quốc tế đòi hỏi thích ứng đối với mô hình hệ thống y tế Việt Nam. Các vấn đề đặt ra cần giải quyết về chính sách y tế, kinh tế y tế phục vụ phát triển hệ thống y tế trong nền kinh tế phát triển và hội nhập.
Điều trị bệnh không lây nhiễm - thách thức trong thời đại COVID-19
Trình bày bài báo cáo khoa học tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mặc dù hiện tại Việt Nam đã khống chế được dịch COVID-19 nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Tính tới thời điểm hiện tại, ngày 12/11, Việt Nam ghi nhận 1 triệu ca COVID-19. Hiện nay tại TPHCM một ngày vẫn ghi nhận trên dưới 1000 ca và vẫn có ca tử vong do COVID-19. Trong đợt dịch thứ 4 này, dịch đã lan gần hết trên tất cả các tỉnh, thành của cả nước.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
GS.TS Nguyễn Văn Kính phân tích: dịch COVID-19 làm ảnh hưởng tới việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc và điều trị đối với những người mắc bệnh không lây nhiễm bởi các nguyên nhân:
Nguyên nhân thứ nhất: Người mắc bệnh không lây nhiễm không được tới cơ sở y tế để khám chữa bệnh định kỳ bởi các cơ sở này đều đóng cửa do có ổ dịch COVID-19. Vì vậy, vấn đề đặt ra là: bệnh nhân phải tới đâu để khám chữa bệnh? Ngoài COVID-19 cũng còn rất nhiều bệnh khác phải điều trị, cấp cứu cho các bệnh không lây nhiễm.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã có những quy định, hướng dẫn để hạn chế việc đứt quãng điều trị đối với bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm nhưng bệnh nhân và bệnh viện vẫn gặp phải những vướng mắc khó thực hiện do phải thực hiện cách ly.
Lấy ví dụ về cách xử lý rất nhanh và hiệu quả của BV Viện Hữu nghị Việt Đức thời gian qua khi phải phong tỏa do COVID-19 trong khi vẫn phải tiến hành phẫu thuật cho các bệnh nhân khác, bệnh viện phải thực hiện chuyển viện cho các bệnh nhân này sang các bệnh viện khác có khả năng phẫu thuật. Đồng thời, cũng chuyển bớt nhân viên y tế của bệnh viện sang các nơi khác nhằm giãn mật độ người, có điều kiện khử trùng bệnh viện.
Nguyên nhân thứ hai: Các bệnh không lây nhiễm trở thành bệnh nền cho COVID-19 bởi COVID-19 diễn biến ở những người mắc bệnh nền rất nặng dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, COPD khi nhiễm COVID-19 làm cho bệnh nặng thêm và dẫn tới tử vong nhanh chóng.
"Lẽ ra hằng tháng, bệnh nhân có bệnh không lây nhiễm sẽ đi khám bệnh định kỳ để theo dõi, nhận thuốc nhưng bệnh viện lại đóng cửa. Các cơ sở y tế không kịp chuyển các bệnh nhân không lây nhiễm tới các bệnh viện khác để tiếp tục khám chữa bệnh định kỳ" - GS.TS Nguyễn Văn Kính phân tích.
Hơn nữa, COVID-19 khiến cho bệnh nhân phải thực hiện cách ly, "ai ở đâu ở yên đó" nên không thể đi khám chữa bệnh được. Khi đi ra bên ngoài lại hạn chế về vấn đề giao thông nên không đi khám định kỳ được.
Để bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm được chăm sóc thường xuyên, Bộ Y tế đã đưa ra các giải pháp tức thời: xây dựng các trạm y tế gồm các bác sĩ và các điều dưỡng để theo dõi sức khỏe, tư vấn dùng thuốc tại cộng đồng dân cư ở mỗi địa phương.
Quảng cảnh chung Hội nghị Khoa học năm 2021
Thực hiện tổng thể cùng lúc 5K + vắc xin + điều trị hiệu quả
GS.TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh: cần thực hiện 5K + tiêm vắc xin và điều trị hiệu quả cần thực hiện tổng thể, không riêng lẻ là giải pháp trong tình hình hiện nay.
Hiện nay ở nước ta đã ghi nhận nhiều biến thể Virut COVID-19 mới. Trước đây, virut COVID-19 lây qua tiếp xúc gần do các giọt bắn nước bọt, hoặc do tiếp xúc với dịch cơ thể. Tuy nhiên, với các chủng virut mới như chủng Delta lây qua đường không khí.
"Nếu chủng Vũ Hán mất 7-14 ngày thì chủng Delta chỉ mất 2 ngày. Cùng một lúc trong cộng đồng có thể có nhiều người nhiễm hơn. Vì vậy, dịch COVID-19 thường bùng phát tại các khu công nghiệp, hay những gia đình đông người có không gian sống chật, các hẻm, ngõ nhỏ của TP Hồ Chí Minh. Nhiều căn hộ 9, 10 m2 nhưng có tới 4, 5 người sinh sống khiến tốc độ lây truyền bệnh tăng mạnh" - GS.TS Nguyễn Văn Kính cho hay.
Theo GS. Kính, tỷ lệ bảo vệ của vắc xin đối với COVID-19 không phải là 100%. Người tiêm vắc xin vẫn mắc chủng mới bình thường, tuy nhiên tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong có thấp hơn. Vì vậy, để giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, chúng ta vẫn cần thực hiện nghiêm 5K + tiêm vắc xin.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Hội nghị
Ban tổ chức Hội nghị tặng hoa, giấy chứng nhận cho các nhà tài trợ
Các nhà khoa học tham dự Hội nghị
Ban tổ chức Hội nghị tặng hoa, giấy chứng nhận cho các báo cáo viên
Hội nghị thu hút đông đảo giới chuyên môn tham dự
Do tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Hội nghị được tổ chức theo 2 hình thức: Tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và Tổ chức trực tuyến thông qua đầu cầu tại các Sở Y tế gồm Hội Y học, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, CDC các tỉnh, thành phố, Bệnh viện huyện và các cán bộ y tế trên toàn quốc.
VIDEO HỘI NGHỊ KHOA HỌC - NĂM 2021 CỦA TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Phiên buổi sáng ngày 12/11/2021
Phiên buổi chiều ngày 12/11/2021
Thanh Loan