Có những con người, dù sinh sống và làm việc trong chế độ xã hội nào cũng vẫn giữ được nhân cách và phẩm giá, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện đức tài, tích cực phục vụ cộng đồng, tận tụy phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Giáo sư Phạm Biểu Tâm là một trong số những con người như vậy.
“Tài nối Hoa Đà, đức noi Khổng Tử”
GS. Phạm Biểu Tâm sinh ngày 13/12/1913 tại làng Nam Trung, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong một gia đình Nho giáo và khoa bảng. Tổ tiên ông sinh sống tại Gia Định thành, quận Bến Lức, Long An. Cha ông là Phạm Hữu Văn, đỗ Tiến sĩ năm Quý Sửu - 1913 (năm ông sinh ra đời); tên cụ được khắc vào bia đá tại Văn Miếu, Hà Nội và Văn Thánh, Huế. Cụ ra làm quan thanh liêm tới chức Bố chánh tỉnh Thanh Hóa và khi về hưu được thăng hàm Thượng thư.
Thời niên thiếu, ông theo học bậc tiểu học tại Huế, rồi lên trung học tại Vinh (Collège de Vinh). Sau đó, ông lại trở về ghi danh vào Ban Tú tài Trường Quốc học Huế và tiếp tục ra Hà Nội học Trường Bưởi (Lycée du Protectorat) nay là Trường PTTH Chu Văn An. Bước sang tuổi thanh xuân, lòng ôm ấp những hoài bão khoa học và ước mơ nhân đạo, cứu người, năm 1932 ông thi đậu vào Trường đại học Y Dược khoa ở Hà Nội và nội trú của Bệnh viện Phủ Doãn rồi bảo vệ thành công xuất sắc luận án bác sĩ y khoa với đề tài "Introduction de la médecine occidentale en Extrême orient" (Sự du nhập của nền Y học Tây phương vào miền Viễn Đông). Năm 1948, ông được cử sang Pháp du học và tốt nghiệp Thạc sĩ y khoa (Agrégé en médecine) tại Paris, trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên đạt học vị danh giá này (người kia là GS. Trần Quang Đệ, một nhà phẫu thuật xuất sắc).
“
Cố GS. Phạm Biểu Tâm (1913 - 1999).
Trong thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm (1949 - 1954), GS. Phạm Biểu Tâm ở lại làm việc tại nội thành, ông là Giám đốc Bệnh viện Yersin (thường gọi là Nhà thương Phủ Doãn, nay là Bệnh viện Việt Đức) và giảng dạy ở Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội. Với tinh thần nồng nàn yêu nước, ở trong lòng địch ông vẫn hướng về Tổ quốc và dân tộc, ủng hộ Việt Minh trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại.
Làm việc tại bệnh viện ngoại khoa, cùng với các bác sĩ và sinh viên y khoa hoạt động nội thành, ông hết lòng cứu chữa người bệnh và có lần giải thoát cho cán bộ cách mạng khỏi tay giặc. Ông đã nêu một tấm gương sáng của người trí thức yêu nước. Một bác sĩ sau này chuyển vào Nam đã kể lại một kỷ niệm về ông hồi đó: "Tôi là người Hà Nội. Năm 1946, tôi học lớp nhất, trường tiểu học tại Ô Chợ Dừa. Một hôm tôi đi cắt tóc ở hiệu gần cổng trường, tôi thấy trước bàn của ông thợ cắt tóc có khung ảnh một người mặc com-lê, đeo cà-vạt.
Tôi hỏi ảnh ai vậy, ông thợ đáp: Lúc trước tôi đau nặng, phải nằm Nhà thương Phủ Doãn, chính ông bác sĩ Phạm Biểu Tâm đã sốt sắng mổ kịp thời nên tôi không bị nguy hiểm. Tôi nhớ ơn ông ấy nên xin tấm hình để ngày ngày chiêm ngưỡng". Sau này, khi vào học Trường Y, tôi mới biết bác sĩ Phạm Biểu Tâm là thầy giáo của trường... Trong thời gian đó, GS. Phạm Biểu Tâm cũng đã mổ cho vị đại sứ Trung Hoa dân quốc. Để tỏ lòng biết ơn và khâm phục tài năng của nhà phẫu thuật Việt Nam, vị đại sứ này đã tặng giáo sư bức tranh "Hoa Đà mổ Quan Công", ngầm tôn vinh ông như một "Hoa Đà tái thế".
Nửa cuối năm 1954, sau Hiệp định Genève, GS. Phạm Biểu Tâm cùng với gia đình chuyển vào Nam. Lúc đó Bệnh viện Bình Dân Sài Gòn mới được xây dựng, ông được cử làm Giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện. Chưa đầy một năm sau, ngày 11/5/1955 ông được đề cử kiêm chức Khoa trưởng Khoa Y Đại học Y Dược Sài Gòn thay cho GS. Trần Quang Đệ (trước đó là đồng phụ trách khoa với một giáo sư người Pháp).
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học, lại học phổ thông ở các trường Tây, tiếp xúc với các trường phái y học tiên tiến Tây Âu, ông đã thấm nhuần không ít những nét văn hóa châu Âu nhưng chỉ tiếp thu có chọn lọc và kết hợp hài hòa, biến thành vốn kiến thức của riêng mình, mang đậm đà bản sắc dân tộc, không hề pha trộn dấu vết của ngoại bang. Đó chính là bản chất của một người trí thức chân chính khi ông thể hiện vai trò trách nhiệm của một người thầy thuốc, đồng thời là một người thầy giáo Việt Nam.
Trong thời gian này, lịch làm việc hàng ngày của ông dày đặc vì ông vừa là Khoa trưởng ở Khoa Y, vừa là Giám đốc Bệnh viện Bình Dân lại tham gia mổ xẻ và giảng dạy cho sinh viên. Ông không có phòng mạch tư nên đã dành tất cả thời gian và tâm huyết cho công việc chung. Ông làm việc không kể ngày đêm, sáng tối, tận tụy với bệnh nhân, hết mình vì học trò bằng cả tấm lòng nhân ái. GS. Nguyễn Văn Truyền, một học trò cũ của ông kể lại: "Năm 1965, tôi đến tạm biệt thầy Tâm để đi làm việc tỉnh xa, thầy đã viết tặng tôi mấy câu đầy tình nghĩa thầy trò trên một trang giấy mà tôi vẫn giữ đến ngày hôm nay: "Với những lời mong chúc thành thật cho tương lai của anh - 30/10/1965".
Năm 1978, tôi vừa đi du học bên Pháp về. Một hôm, vợ tôi - bác sĩ Tô Thị Ngân Hà, cũng là học trò cũ của thầy Tâm, bị viêm ruột thừa cấp, vào Bệnh viện Bình Dân. Mặc dù bận nhiều công việc, nghe học trò mình bị bệnh, thầy liền đến khám cùng bác sĩ Văn Tần. Thầy bảo bác sĩ Văn Tần đưa ngay vợ tôi vào phòng mổ gấp và thầy đã cùng mổ với bác sĩ Văn Tần...".
Đối với bệnh nhân, GS. Phạm Biểu Tâm rất tận tình, chu đáo; nhìn phong cách ông thăm khám và săn sóc bệnh nhân ai cũng phải cảm phục và ca ngợi. Trong phẫu thuật, ông nổi tiếng là mổ khéo, mổ đẹp và mổ nhanh. Trong bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, dù lớn hay nhỏ, với "đôi bàn tay vàng", ông đều tự mình thực hiện mọi giai đoạn, từ lúc rửa sát trùng đường mổ, trải khăn mổ, rạch vết dao đầu tiên, khâu mũi chỉ cuối cùng đến băng lại vết mổ một cách cẩn trọng, gọn sạch. Ông xứng đáng là một nhà phẫu thuật tài hoa của nền ngoại khoa Việt Nam.
Là Khoa trưởng Đại học Y khoa Sài Gòn (1955 - 1967) và Phó Trưởng khoa Y Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh sau ngày miền Nam giải phóng (1975), GS. Phạm Biểu Tâm đã dìu dắt nhiều thầy thuốc trẻ và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên y khoa. Ông có công lớn trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhiều giảng viên cho cả ba ngành y, nha và dược, sau này trở thành ba phân khoa riêng biệt và lớn mạnh của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Trên cương vị lãnh đạo nhà trường, ông làm việc tận tụy, công tâm, nhân hậu, nhưng điều hành công việc nghiêm túc, theo đúng nguyên tắc, quy chế trên tinh thần chí công, vô tư.
Vào đầu những năm 1960, trong kỳ thi tuyển vào Đại học Y khoa Sài Gòn, Ngô Đình Lệ Thủy (con gái Cố vấn Tổng thống Ngô Đình Nhu) thi không đạt điểm chuẩn. GS. Phạm Biểu Tâm, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đã từ chối cho Lệ Thủy vào học, mặc dù có sự can thiệp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời đó. Nhận định về GS. Phạm Biểu Tâm, người đồng nghiệp đàn anh của mình, GS. Ngô Gia Hy tâm sự: "Ở Sài Gòn, trên cương vị Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, Khoa trưởng Khoa Y Đại học Y khoa Sài Gòn, kiêm Quyền Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, anh cũng vẫn tấm lòng đôn hậu, nhưng rất cương trực điều hành và cư xử tốt với tất cả mọi người. Anh đã cương quyết thực hiện công bằng trong kỳ thi tuyển sinh vào trường y khoa, vượt qua những áp lực dựa vào quyền thế...
Anh có đức tính khiêm tốn, không hề nói xấu ai bao giờ. Ngoài ra, anh còn là một người con hiếu thảo, mặc dù là giáo sư, nhưng mỗi khi về Huế, anh vẫn mặc áo the thâm hầu hạ phụ thân đã cao tuổi như một người con nhỏ. Đối với thầy cũ của mình, bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào, anh vẫn tỏ lòng kính trọng, lắng nghe...".
Năm 1963, GS. Phạm Biểu Tâm đã được mời làm Viện trưởng chính thức của Viện Đại học Sài Gòn nhưng ông đã từ chối, nhất quyết ở lại với Đại học Y khoa để tiếp tục sự nghiệp mà ông đã theo đuổi từ nhiều năm. Rồi đến ngày 31/1/1967, giáo sư đã xin từ nhiệm chức vụ Khoa trưởng sau 12 năm đảm nhiệm, để dành hết thời gian và sức lực cho công tác chuyên môn.
GS. Phạm Biểu Tâm cùng các học trò quây quần sau một trận thi đấu thể thao.
Tháng 5/1975, sau khi miền Nam được giải phóng, Tổ quốc thống nhất, GS. Phạm Biểu Tâm vẫn quyết định ở lại với chế độ mới, với các học trò và bệnh nhân mà ông yêu quý suốt đời. Hàng ngày, ông vẫn tham gia giảng dạy ở trường và làm việc tại bệnh viện. Với tài năng và nhân cách của mình, giáo sư luôn nhận được sự kính trọng, vị nể của mọi người. Giáo sư được nhà nước và nhân dân tín nhiệm, tiếp tục giao cho ông trọng trách làm Phó trưởng khoa Y, Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Năm 1984, khi đã qua tuổi "xưa nay hiếm", ông bị xuất huyết não và xin nghỉ hưu để dưỡng bệnh. Ông an nghỉ tuổi già bên vợ con, các cháu chắt được 10 năm và qua đời vào một buổi chiều tháng 12/1999 để lại bao nỗi tiếc thương khôn cùng của gia đình, đồng nghiệp và học trò ở hải ngoại và trong nước.
Sinh thời, trong những giờ phút thư nhàn, GS. Phạm Biểu Tâm có thú vui làm thơ để ghi lại những cảm xúc thăng hoa của cuộc đời và có những bài thơ được nhiều người tán thưởng. Ông đã đi xa gần 15 năm rồi mà hình ảnh và phong thái của ông như vẫn còn ở đâu đây, như những câu thơ mà lúc còn sống ông thường hay ngâm ngợi:
"Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc, không không Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi...".
GS. Phạm Biểu Tâm có nguồn gốc miền Nam, sinh ra và qua thời niên thiếu tại miền Trung, học trung học và đại học ở miền Bắc, làm việc ở miền Bắc và miền Nam. Tinh túy văn hóa của ba miền đã kết tinh trong con người ông, hun đúc cho ông trở thành người thầy thuốc và thầy giáo mẫu mực đáng kính, phù hợp với văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trong Lễ tưởng niệm 100 ngày mất của GS. Phạm Biểu Tâm tổ chức vào đầu năm 2000 tại Hoa Kỳ, GS. Tô Đồng, nguyên Khoa trưởng Đại học Dược khoa Sài Gòn đã đọc một đôi câu đối nặng sâu tình nghĩa: Tài nối Hoa Đà, Nam Trung Bắc chói ngời gương dạy dỗ,/Đức noi Khổng Tử, Dược Y Nha ghi mãi nghĩa vun trồng.
Đối với cuộc đời và sự nghiệp của GS. Phạm Biểu Tâm thật không còn lời ngợi ca nào chính xác và đầy đủ hơn.
GS.TS. LÊ Gia Vinh