dy1
English
Tiếng Việt

Việt Nam nỗ lực phòng chống kháng kháng sinh

Cập nhật:
Lượt xem:
Hội nghị khoa học toàn quốc thường niên lần thứ IX do Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp Bộ Y tế và Tổ chức y tế thế giới ngày 26/11/2020 một lần nữa nhấn mạnh vấn đề “Phòng chống kháng kháng sinh” đã và đang đòi hỏi cả thế giới cũng như Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thuốc kháng sinh trong điều trị, bảo vệ sức khỏe, sinh mạng người bệnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe 11 báo cáo khoa học liên quan đến liên quan đến lĩnh vực này, bao gồm các báo cáo đánh giá kết quả 7 năm thực hiện thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020, kinh nghiệm sử dụng kháng sinh trong điều trị và ứng dụng vào việc hiệu chỉnh hướng dẫn điều trị của bệnh viện; giải pháp phòng ngừa lây truyền vi khuẩn đa kháng thuốc trong bệnh viện; mô hình bệnh tật, căn nguyên Vi sinh vật, mức độ sử dụng kháng sinh và tỷ lệ kháng kháng sinh tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới; thách thức và tiếp cận sử dụng kháng sinh hợp lý an toàn từ góc nhìn của Dược sĩ lâm sàng; quản lý thuốc kháng sinh tại Việt Nam; tình hình bệnh Lao, Lao kháng thuốc và ý thức sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng; nghiên cứu chuyên sâu về việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn tại cộng đồng; chiến dịch vận động kháng kháng sinh của WHO tại khu vực Thái Bình Dương - gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm “Những người quản lý của tương lai” và báo cáo mạng lưới giám sát kháng kháng sinh định hướng lâm sàng.


PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh - Bộ Y tế phát biểu và trình bày báo cáo tại Hội nghị

 
Các báo đã cho thấy bức tranh tổng thể về những nỗ lực triển khai kế hoạch phòng chống kháng kháng sinh tại Việt Nam với những kết quả, kinh nghiệm bước đầu và thách thức cần giải quyết kịp thời trong thời gian tới.


TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

 
Từ năm 2013 tới nay, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng kháng sinh trên phạm vi toàn quốc. Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống kháng thuốc, các tiểu ban giám sát kháng thuốc và nhóm kỹ thuật về giám sát kháng thuốc vi sinh, dược, kiểm soát nhiễm khuẩn và công nghệ thông tin. Thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng và nhân viên y tế, Ban chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức các sự kiện truyền thông hưởng ứng tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về phòng chống kháng kháng thuốc, cung cấp tài liệu cho các cơ quan thông tin báo chí, tổ chức tọa đàm, mít tinh, ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm và xây dựng, duy trì trang thông tin điện tử về chống kháng thuốc. Đồng thời triển khai các hoạt động xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, hướng dẫn triển khai giải pháp chống kháng thuốc như Thông tư 33 (ngày 19/9/2016) của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện, hướng dẫn sử dụng kháng sinh (Quyết định 708 ngày 2/3/2015), hướng dẫn thực hiện giám sát kháng kháng sinh (Quyết định 127 năm 2019), hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện (Quyết định 772 năm 2016), hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chuẩn về hồi sức tích cực, bệnh Truyền nhiễm, Lao, Hô hấp, Mắt, Tai Mũi Họng, Da liễu, Thận - Tiết niệu, Sản phụ khoa, Nhi khoa…, hướng dẫn phòng ngừa viêm phổi bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ…


 


Toàn cảnh Hội nghị 
 
Thực hiện mục tiêu tăng cường, hoàn thiện hệ thống giám sát, năm 2018 Bộ Y tế đã thiết lập đơn vị giám sát kháng thuốc quốc gia (AMR unit); tổ chức đánh giá về cơ sở vật chất, năng lực xét nghiệm ban đầu tại 16 phòng xét nghiệm thuộc mạng lưới; tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn kỹ thuật vi sinh lâm sàng, quản lý dữ liệu vi sinh cho cán bộ làm xét nghiệm tại bệnh viện; xây dựng tiêu chí phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia và giám sát chống kháng thuốc; công nhận 3 phòng xét nghiệm vi sinh tham chiếu quốc gia về giám sát kháng kháng sinh tại các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW; báo cáo dữ liệu giám sát định kỳ và tổng hợp dữ liệu, phản hồi về dữ liệu tới các bệnh viện do đơn vị kháng thuốc quốc gia thực hiện. Đối với mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, cùng với việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chuẩn, hướng dẫn sử dụng kháng sinh, hướng dẫn thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả kháng sinh trong bệnh viện, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm, đánh giá chỉ định lâm sàng, tổ chức đào tạo về sử dụng kháng sinh cho các bệnh viện; triển khai đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020.


Đ/c Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam trao chứng nhận và hoa cho các báo cáo viên tại Hội nghị

 
Tuy kế hoạch chống kháng thuốc quốc gia đã được triển khai, nhưng tình trạng kháng thuốc ở Việt Nam đang ở mức báo động. Theo kết quả khảo sát mới nhất của WHO tại 16 bệnh viện trọng điểm cho thấy, vi khuẩn Acinetobacter có tỉ lệ kháng thuốc nhóm Carbapenem lên tới 82%. Acinetobacter là loại vi khuẩn thông thường gây viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiết liệu, trong khi Carbapanem là thế hệ kháng sinh mới nhất, quý nhất hiện nay. Tại các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phổi Trung ương…đều đã phát hiện những siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh và đã có những bệnh nhân tử vong. Gần đây nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã phát hiện vài trường hợp nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh mạnh nhất colistin. Tại Bệnh viện Bạch Mai, thống kê cho thấy có khoảng 40-60% ca chuyển tuyến đều đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh.


Các đại biểu cùng chụp ảnh kỷ niệm với các báo cáo viên và Ban Tổ chức

 
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý trong điều trị, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là nguyên nhân gia tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn. Tại Việt Nam càng đáng báo động hơn khi lạm dụng kháng sinh đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái.


Các đại biểu cùng chụp ảnh kỷ niệm với các báo cáo viên và Ban Tổ chức
 
Mỗi năm thế giới có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và mất đi chi phí hàng chục tỉ đô la cho vấn đề này. Theo tính toán, đến năm 2050 tỉ lệ tử vong do siêu vi khuẩn kháng thuốc có thể lên đến 10 triệu người/năm. Trong khi số lượng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng, nhiều thập kỷ qua, đầu tư cho nghiên cứu kháng sinh mới ngày càng giảm. Năm 2010, có 18 công ty sản xuất kháng sinh, đến nay chỉ còn 4. Từ năm 2008 đến nay, không có thêm kháng sinh mới nào được tìm ra. Thực tế này càng đòi hỏi sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong điều trị và ngăn chặn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là những vấn đề cấp bách của Việt Nam trên chặng đường hướng tới mục tiêu phòng chống kháng sinh đạt hiệu quả.
Nguyễn Trình

Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
1
Tổng số truy cập:
9.652.572
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành