dy1
English
Tiếng Việt

Hút thuốc lá và nhồi máu cơ tim

Cập nhật:
Lượt xem:
PGS.TS. Nguyễn Thị Bạch Yến,
Nguyên Phó Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam
 
Hút thuốc lá đã và đang là một tình trạng phổ biến. Theo thống kê năm 2015, Việt Nam có 22.5% người trưởng thành sử dụng thuốc lá tương ứng với 15,6 triệu người. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc ở nam là 45,3% và ở nữ thấp hơn nhiều 1,1%. Số lượng người trưởng thành hút thuốc lá thụ động cũng tương đối cao. Khoảng 28,5 triệu người VN không hút thuốc nhưng đã tiếp xúc với khói thuốc trong nhà và khoảng 5.9 triệu người đã tiếp xúc với khói thuốc lá tại nơi làm việc.
Vì sự nguy hiểm của việc hút thuốc lá, năm 1987,  WHO đã chọn ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day - WNTD), với mục đích tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian không có khói thuốc lá trên toàn cầu, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc; đồng thời kêu gọi sự quan tâm của các quốc gia đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Năm 2012, Việt Nam ban hành luật phòng chống tác hại của thuốc lá, tăng cường thêm sức mạnh cho các biện pháp giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá một cách tích cực hơn. 
 
1. Tác hại của hút thuốc lá với sức khoẻ và hệ tim mạch 
 
Theo công bố năm 2010 của Tổng hội y sĩ Hoa Kỳ, khói thuốc lá chứa trên 7000 hợp chất hóa học, trong đó có 250 hóa chất độc hại và có ít nhất 69 hoá chất là nguyên nhân gây ung thư. 
Các chất độc trong khói thuốc lá gây hại tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể bao gồm phổi, dạ dày và đặc biệt là gây các dạng bệnh tim mạch liên quan xơ vữa động mạch. 
 
Một số tác động ngay lập tức của việc hút thuốc bao gồm giảm cung cấp oxy cho cơ tim và tăng nhu cầu oxy cơ tim, thay đổi huyết động cấp tính với tăng nhịp tim, tăng sức cản động mạch hệ thống và mạch vành, tăng co bóp cơ tim và giảm sự đàn hồi của động mạch. Hút thuốc có liên quan đến sự gia tăng cấp tính số lượng tế bào nội mô trong máu tuần hoàn; chỉ hút hai điếu thuốc mỗi ngày sẽ làm tăng gấp đôi số lượng tế bào nội mô bị tổn thương. Một số tác động lâu dài của việc hút thuốc bao gồm rối loạn chức năng nội mô, tăng sự thay đổi oxy hóa của lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), giảm mức cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), gây ra phản ứng viêm toàn thân, tăng số lượng bạch cầu, tăng mức độ Protein phản ứng C, tăng hoạt động và kết tập tiểu cầu, mất cân bằng các yếu tố chống huyết khối so với tiền tạo huyết khối, giảm hoạt động tiêu sợi huyết, tăng độ dày và độ cứng của thành động mạch. Hút thuốc lá cũng gây  ra tình trạng kháng insulin và có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Ngoài việc là một yếu tố nguy cơ độc lập, hút thuốc dường như có tương tác theo hệ số nhân với các yếu tố nguy cơ chính khác của bệnh tim mạch, tức là nếu một người có yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, đái tháo đường... mà hút thuốc thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng nhiều lần.
 
2- Hút thuốc là và bệnh nhồi máu cơ tim
 
Nhồi máu cơ tim là một bệnh nặng, nguy hiểm, nhiều biến chứng phức tạp và có tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê, ước tính ở Mỹ có khoảng 1 triệu bệnh nhân nhập viện mỗi năm vì nhồi máu cơ tim cấp và khoảng 200.000 đến 300.000 bệnh nhân tử vong hàng năm vì nhồi máu cơ tim cấp. 
 
Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhưng số bệnh nhân nhồi máu ngày càng tăng. Thống kê tại các bệnh viện cho thấy số bệnh nhân nhồi máu cơ tim vào nhập viện gia tăng rõ rệt theo thời gian.  Năm 2003, theo thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân vào viện vì nhồi máu cơ tim cấp là 4,2% đến năm 2007 con số này là 9,1%. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, năm 2010 có tới 7.421 trường hợp nhập viện vì đau thắt ngực, 1.538 ca phải nhập viện và điều trị vì hội chứng vành cấp, 267 trường hợp tử vong.
 
Biểu hiện của nhồi máu cơ tim thường là cơn đau thắt ngực, mức độ đau có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến đau nhiều như đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt. Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái. Thời gian đau có thể kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện. Ngoài cơn đau điển hình, bệnh nhân còn có các triệu chứng: Khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, lo lắng, ho, chóng mặt, tim đập nhanh. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không có các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc chỉ cảm thấy khó chịu vùng thượng vị.
 
Biện pháp điều trị phổ biến hiện nay là can thiệp đặt stent giúp tái thông dòng chảy trong động mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu nối tạo dòng chảy thay thế cho mạch vành bị tắc. Tuy nhiên những biến pháp này cần được thực hiện càng sớm càng tốt trong những giờ đầu của bệnh. 
 
Hút thuốc lá đã được chứng minh là một trong những yếu tố nguy cơ chính, quan trọng của bệnh mạch vành nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng. Theo thống kê, có tới 70% người bệnh nhồi máu cơ tim có hút thuốc lá.
 
Tổn thương mạch vành liên quan đến thuốc lá là việc hình thành những mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch, giảm lưu lượng máu qua mạch vành đi nuôi dưỡng cho cơ tim. Cơ chế này tác động tới toàn bộ hệ mạch vành, do đó người hút thuốc lá thường có tổn thương nhiều nhánh động mạch vành, gây nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính, trong đó nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim. NMCT xảy ra khi mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, rách và cơ chế đông máu sẽ xảy ra hình thành cục máu đông tại chỗ để bít chỗ rách lại. Cục máu đông này đồng thời làm chít hẹp đột ngột dòng máu chảy qua mạch vành, gây thiếu máu cấp tính phần cơ tim nhận máu từ nhánh mạch vành đó gây hoại tử cơ tim. 
 
Sự trẻ hoá của người bệnh nhồi máu cơ tim được ghi nhận ngày càng nhiều tại các cơ sở y tế. Trước đây nhồi máu cơ tim thường gặp ở người trên 50 tuổi thì nay gặp nhiều hơn ở người 40 tuổi, đặc biệt có trường hợp người bệnh chỉ hơn 20 tuổi. Một trong những nguyên nhân của việc này chính là tình trạng hút thuốc lá ở giới trẻ ngày càng phổ biến. Các thống kê cho thấy độ tuổi trung bình của bệnh nhân nhồi máu cơ tim có hút thuốc trẻ hơn 10 tuổi so với bệnh nhân nhồi máu cơ tim chưa từng hút thuốc. Các nghiên cứu cũng cho thấy, những người hút thuốc có khả năng bị nhồi máu cơ tim cao gấp 3 lần so với những người không bao giờ hút thuốc. Điểm đáng lưu ý nữa là với những người trên 65 tuổi mà hút thuốc thì có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao gấp 3 lần so với người hiện không hút thuốc, những người từ 50-65 tuổi mà hút thuốc thì nguy cơ tăng lên gấp 5 lần người không hút và với người dưới 50 tuổi mà hút thuốc thì nguy cơ tăng cao hơn nữa, tới 8 lần so với những người không bao giờ hút thuốc. 
 
3. Bỏ thuốc lá sẽ có lợi ích ngay lập tức

Ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch vành, việc ngừng hút thuốc làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai và giảm nguy cơ tử vong do tim mạch một cách rõ rệt. Giảm nguy cơ biến cố tim không tử vong là khoảng 36% và tử vong sớm khoảng 50% hoặc hơn. 
 
Lợi ích của việc bỏ thuốc là nhanh chóng. Nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành do hút thuốc giảm đi một nửa sau 1 năm ngừng hút thuốc, sau khi đồng thời kiểm soát được tất cả các yếu tố khác có thể có liên quan. Sau 15 năm bỏ thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh mạch vành thấp như ở những người chưa bao giờ hút thuốc. Ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng thất trái sau nhồi máu cơ tim, ngừng hút thuốc giúp làm giảm tới 40% nguy cơ tử vong và giảm 30% nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát.
 
Để cai thuốc người hút thuốc rất cần sự động viên giúp đỡ của gia đình và bạn bè. Ngoài ra, người hút thuốc cũng có thể tới các trung tâm tư vấn chuyên sâu để được tư vấn và kê đơn sử dụng thuốc thay thế, giúp việc cai thuốc đạt hiệu quả.
 
Những người đã từng và đang hút thuốc lá cần có hiểu biết về tác hại của hút thuốc lá, từ đó có nhận thức về tầm quan trọng của việc bỏ hút tạo động lực cho việc cai nghiện. Đồng thời người hút thuốc cũng nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để tầm soát sớm bệnh tim mạch bao gồm bệnh mạch vành, bệnh mạch chi dưới, bệnh động mạch chủ…tránh để bệnh diễn tiến gây hậu quả nghiêm trong như nhồi máu cơ tim, tắc động mạch chi dưới cấp tính, phình tách động mạch chủ..là những bệnh có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tính mạng và tiên lượng sống về lâu dài.
 
Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
1
Tổng số truy cập:
9.646.098
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành