Ngày 6/10/2022, Tổng hội Y học Việt Nam và Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức lễ ký kết hợp tác triển khai chương trình "Nâng cao năng lực y tế cơ sở"
Tham dự chương trình có: Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy; PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; TS. Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chánh văn phòng Bộ Y tế.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế cần phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Đây là quan điểm về vai trò của nhân viên y tế được khẳng định tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp Hành Trung ương Đảng (khóa XII) về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã. Đây là tuyến trực tiếp gần dân nhất, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện cho Nhân dân dễ dàng tiếp cận với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo. Do vậy, chủ trương của Bộ Y tế chính là nâng cao năng lực y tế cơ sở để giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại nơi mình sinh sống, giảm gánh nặng bệnh tật.
Việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở là yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay với bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi y tế tuyến cơ sở phải thay đổi nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
TS. Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chánh văn phòng Bộ Y tế cũng cho biết, y tế cơ sở là một trong những nội dung trọng tâm được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế hết sức quan tâm thời gian qua nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Vì thế, chương trình ký kết hợp tác lần này là hành động thiết thực nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở. Trong đó, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chương trình qua ứng dụng nền tảng “Y360 – Cộng đồng y khoa học và đọc” để tổ chức và xây dựng khóa học. Đặc biệt, nền tảng đào tạo trực tuyến có hệ thống đo lường và đánh giá năng lực người học qua từng chủ đề, bài học, đăng tải miễn phí cho toàn bộ nhân viên y tế đều có thể truy cập.
Chương trình dự kiến được tổ chức trong vòng 3 năm, thí điểm giai đoạn 1 từ 2022-2023, với các mục tiêu cụ thể: Nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho nhân viên y tế cơ sở với nội dung cập nhật chẩn đoán, điều trị và quản lý các bệnh lý phổ biến tại tuyến cơ sở thông qua các khóa đào tạo liên trực tuyến và cấp chứng chỉ đào tạo theo Thông tư 26/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2013/TT-BYT của Bộ Y tế; Thu hút sự tham gia của hơn 20.000 nhân viên y tế trên toàn quốc trong giai đoạn giai đoạn 2022 – 2023.
Ban tổ chức cũng đặt mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho nhân viên y tế khi tham gia vào chương trình như tổ chức các khóa học đào tạo về kiến thức, kỹ năng ứng dụng thiết thực trong hoạt động khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở gồm: Quản lý hiệu quả bệnh nhân tăng huyết áp; Quản lý hiệu quả bệnh nhân đái tháo đường & nội tiết; Quản lý các bệnh lý cơ xương khớp; Quản lý thai sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản…
Trong giai đoạn 2022-2023, chương trình đặt trọng tâm phát triển và nâng cao năng lực cho hơn 20.000 nhân viên y tế trên khắp Việt Nam. Nội dung chương trình sẽ bám sát Thông tư 33/2015/TT-BYT Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức hữu ích cho nhân viên y tế.