dy1
English
Tiếng Việt

Nhiễm độc asen và các hợp chất asen

Cập nhật:
Lượt xem:


Từ thời thượng cổ người ta đã biết và mô tả độc tính của các hợp chất asen và asen. Người ta đã dùng asen như một thứ vũ khí gây độc lợi hại song song với sử dụng trong công nghiệp phục vụ đời sống con người. Asen (As) là một á kim, màu xám bạc hay trắng như thiếc, giòn, tỷ trọng 5,73, nóng chảy ở nhiệt độ 817 độ C.


I. NGUYÊN NHÂN


Các hợp chất của asen rất độc. Theo kết quả thực nghiệm trên súc vật cho thấy asen hoá trị III độc hơn asen hoá trị V. Asen ở dạng dung dịch độc hơn (vì dễ hấp thụ) so với asen không hoà tan. Vì vậy, ở nhiều nước đã cấm dùng hợp chất asen hoà tan làm hoá chất trừ sâu mà thay bằng hợp chất asen không hoà tan (aseniat chì, canxi...). Danh từ asen theo cách gọi thông thường có nghĩa là AsO (Anhydrit aseniơ hay Asen trioxit).


Nhiễm độc asen nghề nghiệp xảy ra do hít thở, ăn uống hay hấp thụ qua da một lượng lớn bụi, hơi khói, sương mù trong quá trình xử lý quặng asen, sản xuất các hợp chất asen, sử dụng các hợp chất asen trong công nghệ da, thuỷ tinh màu, điện tử... Trong công nghiệp khai thác mỏ và luyện kim đặc biệt là luyện kim màu do asen có trong quặng thiếc, vàng, mangan...nên người lao động tuỳ thuộc vào các công đoạn đều có thể nhiễm độc asen. Đặc biệt trong kỹ nghệ luyện kim tỷ lệ asen cao trong quặng sẽ bị nhiệt độ lò luyện làm cho nóng chảy, bay hơi gây ô nhiễm môi trường lao động, gây nhiễm độc cấp hoặc mạn tính cho người tiếp xúc. Ở Việt Nam đã có một số trường hợp tử vong do nhiễm độc cấp tính hoặc mạn tính asen ở công ty kim loại màu. Các trường hợp mắc bệnh mạn tính đến điều trị tại bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên hàng năm không ngừng tăng lên và đã có những trường hợp được giám định do tổn thương không hồi phục.


Trên thực tế số trường hợp nhiễm độc asen có rất nhiều nhưng do không biết, không nghĩ đến nên đã bỏ qua, bỏ sót. Đặc biệt là những người khai thác mỏ và luyện thiếc, vàng tự do, tỷ lệ mắc bệnh mạn tính do asen rất cao không được khám chữa.


Do tính độc hại của asen cao nên trong không khí nơi làm việc giới hạn cho phép được hạn chế theo tiêu chuẩn Việt Nam là 0,3mg/m, Hoa Kỳ: 0,5mg/m, Liên Xô (cũ): 0,3mg/m.


II. TRIỆU CHỨNG BỆNH LÝ


1. Lâm sàng


a. Nhiễm độc cấp tính asen

Tình trạng này thường xảy ra khi hấp thụ một lượng lớn asen qua đường tiêu hoá hoặc hô hấp. Các triệu chứng xuất hiện sau nửa giờ hay sau nhiều giờ kể từ khi asen vào cơ thể là:

    - Khô miệng, kèm theo khó nuốt.

    - Đau bụng dữ dội, nôn rồi tiêu chảy. Phân có nhiều hạt như hạt gạo lẫn máu kiểu trong bệnh tả.

   - Bệnh nhân ở trong tình trạng mất nước, đái ít, thân nhiệt và huyết áp giảm thường có viêm ống thận cấp kèm theo.

    - Chuột rút và co giật.


Tử vong có thể xuất hiện 24 giờ, nhưng nói chung tình trạng bệnh nhân xấu đi kéo dài 3-7 ngày. Nếu sống sót, sự phục hồi rất chậm sau nhiều thai hay nhiều tháng. Khi khỏi, móng tay có vân khía ngang, trong nước tiểu có hồng cầu, protein do thận chưa hồi phục.


b. Nhiễm độc cấp tính arsin (AsH)

Khi gặp hydro mới sinh, asen có thể hoá hợp với Ion hydro để tạo thăm Asenua hydro (Arsin) là một khí không màu, không mùi, có tác dụng tiêu huỷ hồng cầu mạnh, gây viêm ống thận nặng. Trong kỹ nghệ luyện thiếc khi xử lý cặn, tro của các lò luyện còn đang nóng nhiều khi người công nhân không thế và cũng vì nóng vội nên đã đổ nước vào khối sỉ đang nóng làm cho Arsin và mộ số hợp chất tương tự của Arsen hình thành và bay hơi với hàm lượng cao tứ thời gây nhiễm độc cấp tính. Hít phải hơi Arsin dễ bị nhiễm độc cấp tính với các biểu hiện sau: Đái ra huyết sắc tố, vàng da, tiêu huyết, viêm thận tăng đạm huyết, nhiễm độc thần kinh trung ương (hôn mê).


c. Nhiễm độc mạn tính asen

  * Các dấu hiệu chủ quan đầu tiên: Khó chịu, đau bụng, các cơn ngứa, đau các khớp, suy nhược.

  * Các triệu chứng khách quan

    Tiêu chảy hoặc táo bón, ban đỏ ngoài da, phù mi mắt dưới, bộ mặt hốc hác, niêm mạc tổn thương như viêm lợi, viêm họng, viêm niêm mạc đường hô hấp trên (chảy nước mũi, ho, khản giọng), viêm màng tiếp hợp (đỏ mắt).

   * Các triệu chứng thần kinh

     Cảm giác tê cóng, bỏng da, kiến bò hoặc ngứa kèm theo run, co giật cơ, teo cơ, liệt chi, viêm nhiều dây thần kinh gây liệt hoặc rối loạn cảm giác.

   * Tổn thương ngoài da

Viêm loét, loạn sừng lòng bàn tay, bàn chân, sạm da, rụng lông tóc. Asen trioxyt (AsO) Cũng giống như Crôm là một chất ăn da, gây loét, vết loét phủ vảy đen nhạt,đau. Nó cũng làm loét, thủng vách ngăn mũi.

   * Suy gan, viêm suy thận: Gan thoái hoá mỡ, có protein niệu. Bạch cầu giảm, thiếu máu bất sản tuỷ.

   * Ung thư: Da, phổi, xương, mụn cơm ác tính đều có thể xảy ra.


2. Cận lâm sàng


a. Định lượng asen niệu

Lượng asen niệu trong nước tiểu 24 giờ phải  100 g/lít hay 100 micromol creatinin/1ít. Ở vùng biển khi ăn cá hay thực phẩm biển làm tăng lượng asen niệu. Do đó, để tránh sai lạc phải ngừng ăn các loại thực phẩm biển 2 ngày trước khi lấy nước tiểu xét nghiệm.


b. Huyết học

  - Hồng cầu giảm, huyết sắc tố giảm, bạch cầu giảm.

  - Lượng mê huyết tăng do viêm thận.


3. Chức năng gan: Suy giảm do gan bị viêm, thoái hoá mỡ.


4. Nước tiểu: Ngoài lượng asen niệu cao, còn có protein, hồng cầu, bạch cầu, trụ niệu do thận bị viêm cấp rồi viêm mạn tính.


III. CHẨN ĐOÁN


Người lao động làm việc trong môi trường có hơi, bụi asen hay các hợp chất vô cơ của asen. Cao hơn giới hạn tối đa cho phép 0,3mg/m, có thời gian tiếp xúc lâu đều có thể bị bệnh ở các thể cấp hoặc mạn.

  - Thể bệnh cấp tính: Thời gian tiếp xúc ngắn với nồng độ hơi, bụi asen cao.

  - Thể bệnh mạn tính: Mặc dù nồng độ thấp hơn tiêu chuẩn cho phép nhưng tiếp xúc lâu dài vẫn bị bệnh.

Lượng asen niệu > 100 micromol creatinnin/lít hoặc hơn 0,1mg/lít nước tiểu. Nếu có các dấu hiệu lâm sàng trên là có thể chẩn đoán xác định.


IV. DỰ PHÒNG


 1. Biện pháp kỹ thuật

  - Tổ chức thông hút gió và hút bụi, hơi asen tại chỗ.

  - Xây tường nhẵn, nền phân xưởng và lối đi chung phải không thấm nước, được cọ rửa hàng ngày.

  - Thay thế các hợp chất asen tan trong nước bằng hợp chất không tan.


 2. Biện pháp y tế

  - Tổ chức khám tuyển và khám định kỳ. Khi khám tuyển không nhận những người có tổn thương thực thể hệ thần kinh, gan, thận vào làm việc. Công nhân có vết thương hay loét bàn tay, hoặc bệnh ngoài da phải hoãn tuyển.

  - Khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần. Chú ý phát hiện những biểu hiện sớm của nhiễm độc mạn tính.

  - Giám sát môi trường lao động định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.


 3. Biện pháp của cá nhân

   - Mặc quần áo bảo hộ lao động đầy đủ, thích hợp.

   - Cấm ăn uống, hút thuốc tại nơi làm việc.

   - Tắm rửa, thay quần áo sau ca lao động.

 

PGS. TS ĐỖ HÀM

Theo cuốn "Vệ sinh lao động và Bệnh nghề nghiệp"

Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
9
Tổng số truy cập:
10.873.083
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành