dy1
English
Tiếng Việt

Gia tăng bệnh béo phì ở trẻ em

Cập nhật:
Lượt xem:
(Y học Cộng đồng) Đời sống con người ngày càng được cải thiện cùng với sự ra đời của nhiều phương tiện kĩ thuật, con người trở nên lười vận động hơn. Đó là hai nguyên nhân chính khiến căn bệnh béo phì đang trở nên phổ biến trong cộng đồng. Đáng lo ngại nhất là số lượng trẻ em béo phì ngày một tăng cao trong vài năm trở lại đây. 
 
Béo phì - nguyên nhân vì đâu?
 
TS – BS. Trương Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết theo các điều tra trong năm 2013, tỉ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc ở trẻ dưới 5 tuổi là 4% (khoảng 300.000 trẻ). Tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) tỉ lệ này là 6%, với tổng số 86.000 trẻ. Đặc biệt, thừa cân béo phì ở một số thành phố đã cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển. “Như tại TP HCM, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi béo phì đã lên tới 9,6% (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%). Đặc biệt, tại các khu vực trung tâm thành phố, tỉ lệ trẻ béo phì đã vượt ngưỡng 12%. Đây là một con số rất đáng báo động”, TS. Sơn cho biết.
 
anh minh hoạ
(Ảnh minh hoạ)
 
Số lượng trẻ béo phì tăng nhanh được các chuyên gia dinh dưỡng và nhà nghiên cứu chỉ ra mấy nguyên nhân sau:
 
Thứ nhất, các bậc phụ huynh bận rộn đi làm không có thời gian chăm sóc, nấu ăn cho con trẻ như trước đây, thay vào đó là dẫn trẻ đi ăn tại các tiệm đồ ăn nhanh đã trở thành thói quen của trẻ. Các tiệm ăn nhanh mọc lên như nấm và luôn trạng thái đông khách. Trẻ em trong tầm tuổi từ 4-19 tuổi tiêu thụ lượng thức ăn nhanh rất lớn. Những loại thức ăn này chứa hàm lượng chất béo, lượng đường rất cao
 
Thứ hai, việc sử dụng thường xuyên nước ngọt trong các bữa ăn cũng làm tăng khả năng mắc bệnh béo phì. Trẻ thường thích uống nước ngọt hơn là uống sữa và nước, do đó số tiền các gia đình chi trả cho việc mua nước ngọt hàng ngày nhiều hơn là số tiền mua lượng thức ăn cơ bản.
 
Thứ ba, xu hướng trẻ ít vận động ở các nước phát triển đã lan tới các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thời gian rảnh rỗi trẻ thường được cho xem phim, chơi game, ăn uống, tụ tập bạn bè…
Chị Hoàng Mai ở Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội ngày nào cũng tất bật cho con đi bơi để mong giảm cân. Chị tâm sự: “Cháu mới 12 tuổi mà năm nay đã ngoài 50kg. Một phần do cháu được chăm sóc và ăn uống quá nhiều, thêm nữa, gia đình cũng không có điều kiện cho cháu vận động nên đi học về là cháu chỉ ở nhà, xem tivi, học và ngủ”. Chị Mai cho hay, hiện tại cháu đang phải theo một chương trình ăn uống điều trị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tránh các bệnh liên quan đến việc tích tụ quá nhiều mỡ trong cơ thể.
 
Do khi sinh ra con thiếu cân và suy dinh dưỡng nên vợ chồng anh Hải chị Liên ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội đã tập trung cho con ăn uống thái quá. Tất cả các thực phẩm, sữa và chất bổ dưỡng được anh chị mua về tẩm bổ cho con ngày đêm không theo một nguyên tắc nào. Kết quả là cháu Lâm con anh chị nay mới 8 tuổi nhưng đã nặng tới 43kg. Cháu đi lại chậm chạp, thường ngồi một chỗ xem các bạn chơi. Chị Liên cho hay: “Gần một năm nay cháu sinh ra ít nói, hay cáu và lười vận động nhưng lại ăn rất nhiều. Tôi cho cháu đi điều trị ở Viện Dinh dưỡng Quốc gia để giảm cân và bác sỹ yêu cầu thay đổi lối sống, sinh hoạt cho cháu. Hiện tại, cháu đã khá hơn”.
 
Trẻ thừa cân béo phì đang là vấn đề lớn khiến các bậc cha mẹ lo lắng hơn là vấn đề trẻ bị suy dinh dưỡng, kèm theo béo phì là những căn bệnh khó chữa cả về tâm sinh lý và thực thể. Vậy đâu là giải pháp để phòng ngừa bệnh béo phì ở trẻ?
 
Học cách đối phó với bệnh béo phì
 
Theo PGS – TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Trẻ bị thừa cân béo phì có ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài. Bệnh béo phì làm suy giảm nghiêm trọng tuổi thọ của con người. Béo phì ở trẻ em là yếu tố tiền đề dẫn đến béo phì ở người lớn. Những người lớn bị béo phì nặng thường có tiền sử béo phì ở tuổi thiếu niên. Béo phì ở trẻ em ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khi trưởng thành. Vì ở người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp dẫn đến bệnh tai biến mạch máu não, tăng cholesterol dẫn đến nhồi máu cơ tim…và có nguy cơ mắc phải các biến chứng như đái tháo đường, bệnh sỏi mật, cơ xương khớp, ung thư vú, tiền liệt tuyến, tử cung.
 
Trẻ em béo phì thường dễ bị ảnh hưởng tâm lí, dễ bị tự kỉ, cô độc, coi thường bản thân mình, những tổn thương tâm lí này có thể kéo dài trong quá trình trưởng thành của trẻ. Còn với người lớn bị béo phì, các rối loạn tâm lí có thể gặp phải như tự ti, khó hay không hòa nhập được với cộng đồng, một số người còn bị rối loạn tư tưởng (có ý định tự tử). Bệnh béo phì có tác động lớn đến xã hội điều đáng nói ở đây là người bị bệnh béo phì thường rất thụ động, ít hoạt động, suy nghĩ và làm việc chậm chạp, thêm nữa họ thường có tâm lí tự ti, không thích tham gia vào các hoạt động tập thể vì vậy thường thất bại trong công việc, học tập, khám phá, vui chơi… Người béo phì thường khó tìm được việc tốt và hay gặp trở ngại trong đời sống tình cảm.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, các chuyên gia dinh dưỡng và tâm lý đưa ra các lời khuyên sau:
 
Tập cho bé thói quen ăn rau xanh và hoa quả tươi, tìm hiểu sở thích của trẻ, cho bé làm quen với nhiều loại thức ăn khác nhau, trẻ sẽ không bị nhàm chán. Hạn chế những thức uống ngọt và đồ ăn vặt có chứa hàm lượng chất béo và đường cao. Cho trẻ uống nước và sữa ít béo. Nên cho trẻ ăn phần ăn ít hơn, chia nhỏ khẩu phần ăn mỗi ngày, không nên dùng cách thưởng quà bằng các món ăn, đừng bỏ qua bữa sáng của trẻ, bởi sau đó trẻ sẽ nạp lượng thức ăn vào cơ thể rất nhiều.
 
Không nên cho trẻ xem truyền hình, máy vi tính trong khi ăn sẽ khiến trẻ ăn nhiều và không biết mình đã ăn no. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động như: chạy, bơi, đá bóng, chơi cầu lông, tennis, nhảy dây… các trò chơi dành cho trí tuệ, trẻ vừa phát triển được khả năng tư duy, nhận thức vừa rèn luyện được thể lực, tăng sức đề kháng. Có lịch trình hàng tuần đưa con trẻ đi chơi, đi du lịch, mua sắm, nhằm hạn chế việc trẻ dành nhiều thời gian xem truyền hình, chơi game, chơi điện tử. Động viên trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao ở trường, lớp như: chơi bóng bàn, cờ vua, cờ tướng, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, các cuộc thi việt dã phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Cả gia đình cùng luyện tập đây chính là cách làm tốt nhất giúp trẻ tham gia một cách thoải mái, vui vẻ. Có thể là vệ sinh nhà cửa, rửa xe máy, xe ô tô, tham quan sở thú, công viên, đi tham quan các di tích lịch sử…
 
Do thấy cơ thể của con gầy yếu nên nhiều ông bố bà mẹ bắt ép con cái ăn nhiều hơn lượng thức ăn hàng ngày vì sợ con không đủ dinh dưỡng bởi vậy lượng thức ăn được nạp vào cơ thể mỗi ngày sẽ tăng nhanh hơn nguy cơ trẻ dễ bị bệnh béo phì cũng cao hơn những người có chế độ ăn điều độ, hợp lí và khoa học. Kiểm soát được cân nặng của cơ thể hàng tháng sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị bệnh béo phì. Sử dụng các phương pháp giảm cân hiệu quả cho con trẻ như: đến lớp tập thể dục, yoga, tập thể dục nhịp điệu giúp trẻ vừa giảm cân vừa rèn luyện được thể lực, nên cho trẻ ăn thức ăn có chứa nhiều chất xơ sẽ giúp trẻ giảm cân hiệu quả. 
 
Quỳnh Hoa
Theo www.skcd.vn
 
Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
14
Tổng số truy cập:
10.573.354
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành