Việt Nam vừa ban hành Hướng dẫn Quốc Gia (năm 2016) về chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng nặng cấp tính ở trẻ em dưới 6 tuổi và là nước thứ ba trong khu vực đã ban hành hướng dẫn về vấn đề này. Hướng dẫn mới ban hành phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2013, nhằm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em thông qua việc nâng cao chất lượng các dịch vụ dinh dưỡng cứu sống trẻ em. Trên toàn quốc, ước tính, 45% ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi có liên quan đến việc suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng vẫn tiếp tục là mối quan ngại về y tế cộng cộng ở Việt Nam với khoảng 1,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi (thấp hơn độ tuổi) và 200.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng (gầy hơn so với chiều cao). Những trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng có nguy cơ bị tử vong cao gấp 9 lần các bạn cùng trang lứa khỏe mạnh.
Hướng dẫn mới đưa ra các quy trình trong việc điều trị và quản lý trẻ em bị suy dinh dưỡng với các can thiệp rộng hơn và các phương pháp tiếp cận phù hợp cho các hình thức suy dinh dưỡng. Điều này bao gồm bảo vệ, tăng cường và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý, truyền thông thay đổi hành vi cho bà mẹ và người chăm sóc trẻ trong việc thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và hỗ trợ nhân viên y tế trong việc phát hiện và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Hướng dẫn bao gồm điều trị ngoại trú và nội trú cũng như là điều trị tại cộng đồng cho các trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính vừa.
Việt Nam là nước bị nhiều thiên tai và điều này làm tăng nguy cơ trẻ em bị suy dinh dưỡng. Trong bối cảnh đó, việc xem xét các nguyên nhân để giải quyết suy dinh dưỡng là rất quan trọng, ví dụ các yếu tố môi trường, nước sạch, vệ sinh và an ninh lương thực là những yếu tố then chốt cho dinh dưỡng ở trẻ em.
UNICEF hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc cải thiện sự sống còn và phát triển của trẻ. Việc ban hành hướng dẫn này là một mốc quan trọng trong việc chăm sóc và hỗ trợ trẻ bị suy dinh dưỡng. Hướng dẫn này cũng ra đời đúng lúc vì Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ suy dinh dưỡng trong các trường hợp khẩn cấp liên quan đến thiên tai.
“Đây là một mốc quan trọng trong các nỗ lực chung nhằm cải thiện sự sống còn, chăm sóc và phát triển tuổi thơ, đặc biệt trong gian đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ” ông Jesper Moller, Phó Đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu. “Cùng với Luật trẻ em, việc ban hành Hướng dẫn Quốc Gia về chuẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng nặng cấp tính ở trẻ em tạo cơ sở pháp lý để chính phủ có thể đưa việc khám, tư vấn và điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng như các chế phầm dinh dưỡng điều trị thiết yếu vào chương trình Bảo hiểm y tế quốc gia. UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để đảm bảo rằng trẻ em bị suy dinh dưỡng sẽ có được các hỗ trợ cần thiết để hồi phục và có các cơ hội để phát triển khỏe mạnh”.
Theo UNICEF Việt Nam