HỌC THUYẾT THIÊN NHÂN HỢP NHẤT
I - Định nghĩa
Học thuyết thiên nhân hợp nhất nói lên giữa con người và hoàn cảnh tự nhiên và xã hội, luôn luôn mâu thuẫn và thống nhất với nhau. Con người thích nghi, chế ngự, cải tạo hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội sẽ sinh tồn và phát triển.
Trong y học người xưa ứng dụng học thuyết này để chỉ đạo các phương pháp phòng bệnh giữ gìn sức khoẻ, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và đề ra phương pháp chữa bệnh toàn diện.
II – Hoàn cảnh và con người
1. Hoàn cảnh tự nhiên và xã hội luôn luôn tác động đến con người.
a) Hoàn cảnh tự nhiên:
Gồm khí hậu, thời tiết, địa lý, tập quán sinh hoạt:
Khí hậu, thời tiết bốn mùa gồm 6 thứ khí (lực khí), phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (độ ẩm thấp), táo (độ khô), hoả (nóng) luôn luôn có mặt theo mùa tác động đến sức khoẻ con người. Khi sức khoẻ yếu (chính khí hư), chúng sẽ trở thành tác nhân gây bệnh bên ngoài gọi là tà khí.
Hoàn cảnh địa lý, tập quán sinh hoạt như: miền đồng bằng, miền rừng núi, miền Nam, miền Bắc; tập quán sinh hoạt, phong tục, tín ngưỡng vv… luôn luôn gây nên những bệnh địa phương và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
b) Hoàn cảnh xã hội:
Là những điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá của xã hội, luôn luôn tác động đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức của con người.
Trong một xã hội còn giai cấp bóc lột hoặc trong một xã hội hết giai cấp bóc lột nhưng tàn dư tư tương văn hoá của xã hội cũ hãy còn tồn tại, gây nên những ảnh hưởng xấu đến tư tưởng tình cảm con người.
Điều kiện kinh tế kém, mức sống còn chưa cao là yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Văn hoá không lành mạnh, những tập tục, những tư tưởng lạc hậu luôn tác động đến tư duy con người vv…
Tất cả những yếu tố trên sẽ gây ra tác nhân không tốt về tâm lý xã hội, là điều kiện gây ra các bệnh nội thương mà y học dân tộc thường nói tới.
2. Con người luôn luôn thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên và xã hội
Thời tiết, khí hậu và những điều kiện xã hội luôn tác động đến đời sống con người, có những yếu tố tích cực cần thiết cho sự sống của con người, ngược lại có những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Con người cần thích nghi với hoàn cảnh, chế ngự và cải tạo tự nhiên và xã hội để sinh tồn và phát triển.
Muốn vậy con người cần có sức khoẻ, tinh thần phải vững vàng biểu hiện ở chính khí và các cơ năng thích ứng của cơ thể luôn luôn quân bình giữa các mặt âm, dương, khí, huyết tinh thần, tân dịch vv…
III - Ứng dụng trọng y học
1. Học thuyết thiên nhân hợp nhất chỉ đạo nội dung, phương pháp phòng bệnh giữ gìn sức khoẻ của y học dân tộc.
a) Phòng bệnh chủ động:
-
Cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ cho đời sống.
-
Chủ động rèn luyện cơ thể
-
Thể dục, thể thao: thái cực quyền, dưỡng sinh, khí công…
-
Chống dục vọng cá nhân, rèn luyện ý chí, cải tạo bản thân và xã hội, xây dựng tinh thần lạc quan vv…
-
Cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh
b) Phòng bệnh thụ động:
Ăn tốt, mặc ấm, giữ gìn vệ sinh cá nhân, hoàn cảnh. Điều kiện về sinh hoạt, tình dục và lao động vv…
Có thể kết luận phương pháp rèn luyện sức khoẻ của con người trước hoàn cảnh tự nhiên và xã hội bằng câu thơ bất hủ của Tuệ Tĩnh: “Bổ tinh, dưỡng khí, tồn thần; Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện mình”
2. Học thuyết thiên nhân hợp nhất chỉ đạo nội dung của các nguyên nhân gây bệnh và vai trò quyết định của cơ thể với việc phát sinh ra bệnh tật
a) Nguyên nhân gây bệnh:Hoàn cảnh tự nhiên, địa lý với 6 thứ khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả là nguyên nhân gây ra các bệnh ngoại cảm. Khi trở thành tác nhân gây bệnh lục khí được gọi là lục tà hay lục dâm.
Hoàn cảnh xã hội gây ra những yếu tố về tâm lý xã hội gọi là thất tình (vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ) là nguyên nhân gây các bệnh nội thương.
b) Vai trò cơ thể quyết định trong việc sinh ra bệnh tật:
Hoàn cảnh tự nhiên và xã hội luôn luôn tồn tại tác động vào con người, nhưng bệnh tật chỉ xảy ra do sự thay đổi hội tại của con người, đó là sự giảm sút sức đề kháng còn gọi là chính khí hư làm cơ thể không thích ứng được với ngoại cảnh. Chính khí hư là vai trò nội nhân, quyết định sự phát sinh ra bệnh.
3. Học thuyết thiên nhân hợp nhất chỉ đạo nội dung, phương pháp chữa bệnh toàn diện của y học dân tộc.
Phải nâng cao chính khí con người bằng các phương pháp tổng hợp:
-
Tâm lý liệu pháp
-
Dự phòng trong điều trị: dưỡng sinh, khí công, thái cực quyền
-
Ăn uống, bồi dưỡng
-
Dùng châm cứu, xoa bóp, thuốc vv…
-
Khi dùng thuốc bao giờ cũng chú trọng đến các thuốc nâng cao các mặt yếu của cơ thể (bổ hư) về âm dương, khí, huyết, tân dịch vv… rồi mới đến các thuốc tấn công vào tác nhân.
Viện Y dược học cổ truyền Việt Nam