“Bố mẹ nào muốn con em giàu thì không nên khuyên con vào ngành y” – GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế (từ năm 1997-2003), hiện là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị tập huấn Báo cáo viên ngành y tế triển khai công tác nâng cao y đức, y nghiệp của ngành y tế.
Nghề y là một nghề tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, chịu áp lực cao
Chỉ nói, cười với người bệnh thì chưa đủ
Các đại biểu đều chia sẻ, vai trò lãnh đạo của ngành y tế trong vấn đề nâng cao y đức hết sức quan trọng. Y đức đang là một chủ đề cấp thiết trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đây không phải là “việc riêng” của ngành y tế mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, có như vậy mới thành công. Ngành y tế chỉ là hạt nhân, phải tham mưu với Đảng và Nhà nước để vấn đề y đức để cả xã hội cùng quan tâm.
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho rằng, thầy thuốc là một nghề cao cả, nghề phục vụ người bệnh. Ngày xưa người thầy thuốc không phải nghĩ đến chuyện kiếm sống, cả xã hội lo cho họ, áp lực về nỗi lo kiếm sống cũng không căng thẳng như bây giờ. Khi người thầy thuốc phải canh cánh nỗi lo “cơm áo gạo tiền” thì chắc chắn họ sẽ bị phân tâm trong quá trình làm việc.
“Bao giờ người thầy thuốc cũng phải đặt lợi ích của bệnh nhân trên quyền lợi của mình. Đây chính là mục đích, đồng thời cũng là điều kiện để hành nghề y. Không đặt lợi ích của người bệnh lên trên, không cứu chữa được người bệnh thì ai sẽ đến với anh? Anh không hành nghề được, không kiếm sống được cho nên nói về mối quan hệ này phải phân tích đầy đủ, biện chứng. Nếu nói y đức chỉ là cười nói, đối xử với bệnh nhân thì chưa đủ. Người thầy thuốc cần có cái tâm với bệnh nhân”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho biết.
Theo GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng: “Có một thực tế, hiện nay y đức có chiều hướng giảm sút, có những vụ việc khiến dư luận hết sức bất bình như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường là một ví dụ. Đứng trước việc này, chúng ta phải thừa nhận có một bộ phận không nhỏ các bác sĩ không hiểu hết mục đích hành nghề của mình. Chưa giải quyết tốt giữa vấn đề tính mạng của người bệnh và lợi ích của cá nhân. Chính vì đặt lợi ích của chính mình lên trên lợi ích của người bệnh, coi thường tính mạng của người bệnh nên mới có những sai lầm như thế”.
Cần những giải pháp đồng bộ
Tại Hội nghị, vấn đề xây dựng hệ thống pháp luật, giám sát như đường dây nóng của Bộ Y tế trong thời gian qua cũng đã được đông đảo đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.
Theo một số đại biểu, đây là vấn đề cần thiết nhưng chỉ mang tính tạm thời. Muốn cải thiện y đức, cần giải quyết một cách có hệ thống, tận gốc. Phải coi đây là chuyện đổi mới trong giáo dục, nhận thức của tất cả cán bộ ngành y.
Một vấn đề không nhỏ tác động tới y đức, đó là lương của cán bộ ngành y hiện nay khá thấp so với những ngành nghề khác (đứng thứ 17/18 ngành nghề). Tuy nhiên, có một thực tế, thu nhập của các bác sĩ ở thành phố hiện nay lại khá cao - điều này gần như chưa được phân tích và đề cập tới. Vì vậy, các sinh viên ra trường thường có tâm lý bằng mọi giá trụ lại thành phố.
Việc điều hòa thu nhập không phải là việc riêng của ngành y tế mà là việc chung của cả hệ thống chính trị. Nhà nước phải tính đến vấn đề chính sách để điều hòa thu nhập của người thầy thuốc. Nếu không sẽ tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong ngành y vì không ai chịu công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa.
“Các phụ huynh nên khuyên con em của mình trước khi lựa chọn ngành y. Trong lịch sử nhân loại, chưa một ai trở thành tỉ phú thế giới do hành nghề mở bệnh viện. Dù có những người không đồng ý với tôi, họ nói tỉ phú nào cũng có bệnh viện, nhưng họ nhầm! Các tỉ phú ấy có bệnh viện khi thành tỉ phú rồi. Người ta muốn thể hiện tấm lòng nhân đạo thì người ta mở bệnh viện chứ không phải mở bệnh viện để thành tỉ phú. Vì vậy, phụ huynh nào muốn con em giàu thì không nên hướng con theo nghề y”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho biết.
Gia Đình & Xã Hội