dy1
English
Tiếng Việt

Mỗi bài viết, mỗi đường link, một sự sẻ chia

Cập nhật:
Lượt xem:
Ngoài các bác sĩ, các nhân viên y tế, có lẽ bệnh viện là nơi mà mọi người e ngại khi lui tới nhất, đặc biệt là trong những đợt dịch bệnh phức tạp. Ấy vậy mà với phần đông những nhà báo, phóng viên theo dõi ngành y tế như chúng tôi, đây lại là môi trường tác nghiệp chính. Đằng sau những bức tường trắng lạnh toát của bệnh viện, biết bao những hoàn cảnh bệnh tật, hiểm nghèo, những tấm gương đầy nghị lực chiến thắng bạo bệnh đã nhận được sự sẻ chia, chung tay của cả cộng đồng thông qua báo chí.
 

Nhà báo, phóng viên luôn đồng hành cùng các chương trình ủng hộ, từ thiện của các nhà hảo tâm
(tác giả đứng thứ ba từ phải sang).
 
Tác nghiệp nơi ổ dịch
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ với các nhà báo, phóng viên “Những chủ trương, chương trình phòng chống dịch bệnh của Bộ, người dân đều có thể nắm rõ thông qua sự truyền tải thông tin của các nhà báo. Bên cạnh đó, sự kịp thời phản ánh cái hay, cái tốt trong ngành Y của anh chị em phóng viên cũng là nguồn động viên tinh thần quý báu đối với các cán bộ y tế. Ngoài ra, thông qua việc phản ánh những cái xấu, mặt tiêu cực của báo chí, Bộ Y tế đã lắng nghe được ý kiến của người dân để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhân dân”.
 
Những nhà báo, phóng viên viết mảng Y tế giống như những “chiến sĩ” trên mặt trận tuyên truyền, bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng cũng là những người nhiều nguy cơ mắc bệnh từ chính những... nguồn tin.  Bởi mỗi đợt dịch bệnh như dịch SARS, cúm A/H1N1, H5N1, dịch sởi, sốt virus... , những địa phương lây lan bệnh dịch nguy hiểm, bệnh viện – nơi dễ xảy ra tình trạng “lây nhiễm chéo” lại là những nơi mà nhóm phóng viên chúng tôi phải xông pha vào để quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn bác sĩ điều trị, phỏng vấn bệnh nhân để kịp thời có những tin tức, bài viết hay phóng sự nóng hổi.
 
Các bác sĩ đều cảnh báo chúng tôi về nguy cơ lây nhiễm bệnh tuy nhiên không vì thế mà anh em phóng viên “ngại” không dám vào BV hay vào vùng “tâm bão” dịch bệnh. Với kinh nghiệm nhiều lần sát cánh cùng các bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành, kiến thức của phóng viên y tế tốt hơn so với các đồng nghiệp, người dân. Do đó, khi tác nghiệp ở những nơi nguy hiểm này, chúng tôi đều dặn mình phải thật sự cẩn thận và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về cách li, tiếp xúc như: Đeo khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ nếu bệnh viện có yêu cầu.
 
Lo lắng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ việc đưa tin, các BS vẫn phải thường xuyên nhắc nhở và khuyến cáo những nơi nào trong BV, nhà báo không nên “lưu lại” lâu ví dụ như khu vực cách li dịch bệnh, phòng hồi sức cấp cứu... chẳng hạn. Bởi đơn giản, đây là những nơi mầm bệnh, thậm chí là vi khuẩn kháng thuốc thường xuyên... hiện diện và nhà báo, thân nhân có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào nếu không được trang bị bảo hộ kĩ lưỡng.
 
Chỉ một biểu hiện nhỏ nhất, khi nhiệt độ nhích lên trên khoảng an toàn, một cơn sốt nhẹ khi đi tác nghiệp về mọi người lại đối diện với nỗi lo lắng đến thắt lòng. Thế nhưng, không chỉ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh trong tâm dịch, chứng kiến dịch bệnh cướp đi nhiều sinh mạng và sức lây lan khủng khiếp của nó, các nhà báo còn bị ảnh hưởng tâm lí đến nghẹt thở. Mỗi lần đứng trước những ca bệnh nhân nhi mắc bệnh sởi, cúm gà, tay chân miệng khó qua khỏi, chúng tôi như lặng người, cảm nhận sâu sắc nỗi đau đớn, sự tuyệt vọng của các ông bố, bà mẹ.
 
Nhìn những bàn tay, bàn chân nhỏ xíu, nhịp thở yếu ớt, đứng bên ngoài phòng điều trị, người đang tác nghiệp đưa tin càng thấy sự sống của các cháu thật mong manh. Thế nhưng, giây phút chứng kiến những bệnh nhân ấy được các bác sĩ nỗ lực cứu sống, chúng tôi càng thấu hiểu công việc hàng ngày của các bác sĩ, còn gì thiêng liêng hơn việc đem lại sự sống cho hàng ngàn sinh linh bé nhỏ. Tạo hóa đã cho các con hình hài nhưng chưa cho các con sinh lực. Những bàn tay và trái tim của các y bác sĩ đã làm nốt phần việc còn dang dở của tạo hóa.


 Bệnh viện là môi trường của các nhà báo, phóng viên tác nghiệp.
 
Đồng hành cùng nỗi đau bạo bệnh
 
Do vậy, bất chấp những hiểm nguy, căng thẳng đối mặt trực diện với dịch bệnh, rất nhiều phóng viên khác đã và đang lao mình vào tâm dịch, song hành cùng các y bác sĩ, các nhân viên cứu trợ làm nhiệm vụ để đưa thông tin mới nhất, hình ảnh chân thật nhất về tình hình dịch bệnh . Đằng sau những câu chuyện mà chúng tôi ghi lại được nơi tâm dịch là sự cảm thông với những khó khăn, nỗi đau đớn cùng nỗ lực của người dân trước kẻ thù giấu mặt nguy hiểm.
 
Không chỉ mỗi mùa dịch bệnh, riêng công việc hàng ngày, các phóng viên theo dõi mảng Y tế cũng đã phải “đối mặt” với đầy rẫy nguy cơ khi nơi “khai thác” nguồn tin mỗi ngày là các bệnh viện, kể cả các bệnh viện chuyên khoa về các bệnh truyền nhiễm, bệnh lao, HIV/AIDS... Mỗi bước chân của các phóng viên tại hiện trường đứng trước nhiều rủi ro thường trực.
 
Tuy nhiên, thông qua những lần tác nghiệp đầy rẫy rủi ro ấy, ngoài việc truyền tải thông tin về tình hình dịch bệnh, cách phòng chống dịch bệnh tới người dân, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều ca bệnh tật hiểm nghèo cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Phóng viên theo dõi mảng Y tế, phần đông lại là nữ giới, vốn là những người em, người chị, người con, người mẹ ngươì bà trong gia đình thì với thiên chức của mình, chúng tôi càng là những người sẵn lòng cảm thông và chia sẻ với những con người bất hạnh trong xã hội.
 
Chúng tôi đã chứng kiến một bệnh nhân nhỏ bé chỉ 14 tuổi nhưng đã sống với căn bệnh vẩy nến, cơ thể bong tróc chảy mủ suốt 14 năm ròng, càng xúc động hơn khi gặp người đàn bà lam lũ mang trong hình khối u khổng lồ hơn 12kg vẫn hàng ngày phải ra đồng làm việc đồng ánh vất vả nuôi hai đứa con nhỏ, người mẹ già tóc đã bạc mỗi ngày phải đến bệnh viện K để chăm đứa con trai bị ung thư rồi lại tất bật chạy qua bệnh viện Việt Đức túc trực với đứa cháu gái vừa bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não...
 
Thông qua sự phản ánh chân thực về các hoàn cảnh đáng thương ấy thể hiện trong các bài báo gây gợi nên lòng xúc động trong độc giả. Nhiều người sau khi đọc xong những bài viết ấy, chia sẻ lại những đường link  trang báo mạng, báo điện tử lên trang facebook cá nhân của mình. Với mỗi lượt xem, cú nhấn “chuột”… trên facebook của mình thì mọi người đã góp phần chia sẻ thông tin về người nghèo trong cộng đồng để có thể giúp đỡ họ.
 
Từ đó, công tác vận động nhân đạo từ thiện càng đạt hiệu quả cao. Hàng trăm chiến dịch mổ mắt từ thiện mổ sứt môi hở hàm ếch nhân đạo, mổ tim miễn phí đã trả lại ánh sáng niềm tin và nụ cười yêu đời cho những gương mặt trẻ thơ và hơn thế, đã tái tạo  được cả sinh mạng sống cho các bệnh nhân thông qua các chương trình từ thiện, nhân đạo của báo chí.
 
Theo Đại Đoàn Kết
Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
17
Tổng số truy cập:
10.869.349
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành