dy1
English
Tiếng Việt

Có gì khác nhau giữa Y đức và quy định trong nghề Y khoa

Cập nhật:
Lượt xem:



      Có gì khác nhau giữa Y đức và các quy định trong nghề Y khoa

 

                    

TS. Trần Hữu Thăng trao đổi mạn đàm


    Đầu đề trên là dịch từ nguyên văn tiếng Anh bài viết của Chủ tịch Hội Y học Singapore, GS. Chin Jing Jih viết trên SMA News – tháng 10 năm 2014 (Tạp chí chính thức của hội). Tên nguyên văn tiếng Anh là “Is there any difference between the standards for medical law and medical ethics”.

Tạp chí trên đã xếp bài quan trọng này vào mục Diễn đàn của Chủ tịch (President’s forum) là có ý hướng người đọc đến một cách nhìn quan trọng trong nội dung nghề nghiệp (Profession) cũng như trong nội dung nghệ thuật (Art) của ngành Y. Thực vậy nghề Y vừa là một nghề nên có những quy định, những quy tắc, những luật lệ, những văn bản pháp lý cho việc hành nghề. Nhưng nghề Y từ khi thành lập tức là song hành với việc từ khi có con người sống trên trái đất này đã mang trong nội dung một nghệ thuật chữa bệnh. Đó là nghệ thuật ràng buộc trong quan hệ giữa con người và con người. Maxime Gorki, Đại văn hào Nga đã nói câu nổi tiếng sau đây: “Khoa học khó nhất trong mọi khoa học là khoa học xử lý mối quan hệ giữa con người và con người”.


Vậy quan hệ giữa con người và con người trong nghề nghiệp Y khoa bao gồm những ai? Để cho dễ hiểu bắt đầu từ thời gian đào tạo ra người bác sỹ.


Trong trường Đại học Y có quan hệ Thầy và trò, quan hệ giữa bạn học với nhau và bắt đầu có mối quan hệ giữa Thầy thuốc tập sự với Người bệnh. Đây là thời kỳ quan trọng nhất để đào tạo nên một con người vừa hồng vừa chuyên để bước vào một nghề nghiệp gian khổ suốt đời. Ngay trong môi trường Đại học qua những giờ giảng lâm sàng, giờ trực tiếp phục vụ và điều trị cho Người bệnh, người Giáo sư đã có thể phát hiện được những nhân tài cho đất nước trong tương lai. Những Danh nhân y học thế giới cũng như ở Việt Nam đều là những sinh viên nghèo nhưng học rất giỏi vì họ quyết tâm sẽ trở thành những người Thầy thuốc chữa bệnh cho những người nghèo, những người tàn tật, những mẹ góa, con côi sau này. Như vậy Y đức đã dần được hình thành cùng với sự phát triển và vun đắp kiến thức cho các Thầy thuốc tương lai trẻ tuổi. Như vậy hoàn cảnh xã hội tốt và những ông Thầy vừa có tài, vừa có đức đã khởi động được những phẩm chất tốt đẹp nhất trong con người và tư duy của các sinh viên y khoa. Đúng như Jean Jacques Rousseau, Triết học gia người Pháp đã nói: “Trong đáy sâu thẳm của tâm hồn mỗi con người đều có khởi nguyên của công lý và đức hạnh”.


Sau khi tốt nghiệp bác sỹ, bằng lòng say mê nghề nghiệp, các trí thức trẻ lao vào công việc chuyên môn hàng ngày. Nhưng việc hành nghề ngày nay đã có sự thay đổi so với cách đây hàng trăm năm, hàng chục năm. Ngày nay, các hãng dược phẩm đã chế tạo ra những loại thuốc mới hiệu quả hơn, giá thành cao hơn và các hãng chế tạo dụng cụ và trang thiết bị y khoa phát minh ra nhiều máy móc chẩn đoán và điều trị bệnh rất tiên tiến đã trở thành những động lực để phát triển ngành Y trong thời kỳ mới. Nhưng cũng chính những cách kinh doanh tư bản với việc đề cao lợi nhuận của các tập đoàn độc quyền đa quốc gia dễ làm tha hóa những người Thầy thuốc vốn bắt đầu được trang bị bởi một cách giáo dục lương thiện, vì người nghèo, vì bệnh nhân. Chúng tôi muốn nói đến quan hệ giữa người Thầy thuốc, Người bệnh và người thứ ba. Trong các luật nghĩa vụ của người Thầy thuốc (Code déontologie médicale) ở các nước Tây phương phát triển đã phải đưa vào những quy định của pháp luật để khống chế phần nào sự mua chuộc và lũng đoạn của các hãng thuốc, các hãng dụng cụ y khoa đối với người Thầy thuốc. Chính họ đã làm thỏa mãn cho người Thầy thuốc những khoản tiền hoa hồng gấp nhiều lần lương hàng tháng. Như vậy người thứ ba làm tê liệt đạo đức của người Thầy thuốc ở đây là các hãng dược phẩm, các hãng sản xuất trang thiết bị y khoa.


Ở Việt Nam ta chủ chương rất đúng đắn của Đảng là: “Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam” và đưa những thuốc sản xuất trong nước vào Bảo hiểm y tế một cách rộng rãi cũng là những cơ hội tốt để giúp người Thầy thuốc tu dưỡng được Y đức, tránh sa lầy vào những cám dỗ của đồng tiền. Cần rất thận trọng trong việc cổ phần hóa chung vốn để kinh doanh trong bệnh viện. Việc làm này rất khó kiểm soát, không biết đâu là công, không biết đâu là tư rất mập mờ. Những gánh nặng cuối cùng sẽ đè nặng lên Người bệnh.


Qua những dẫn chứng và những gợi ý trên đây chúng ta thấy rõ phần nào mối liên quan giữa đạo đức trong ngành Y và việc thực hành ngành Y trong những môi trường rất phức tạp vì sự có mặt của người thứ ba. Ở một số nước người thứ ba còn là những tập đoàn hoặc cá nhân, các luật sư, các nhà báo thiếu lương tâm chuyên kích động bệnh nhân khiếu kiện, phần nào làm mất an sinh xã hội. Các luật sư và các nhà báo vụ lợi, đục nước béo cò ấy còn góp phần phá hủy y đức của người Thầy thuốc, khiến họ không còn bình tâm để suy nghĩ cho Người bệnh nữa.


Làm một người Thầy thuốc vừa có đức, vừa có tài là một chuyện rất khó. Làm sao để Y đức và các quy định trong nghề nghiệp Y khoa là một. Đó chính là cách suy nghĩ: tất cả vì người bệnh. Nếu coi Người bệnh là trên hết thì đạo đức và nghề nghiệp sẽ không có gì khác nhau.

 

TS. Trần Hữu Thăng

Nguyên Phó chủ tịch 
Tổng hội Y học Việt Nam
 
Tạp chí trong nướcXem tất cả
   

TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM
Địa chỉ: 68A Phố Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3 943 9323
Email: vanphongtonghoiyhoc@gmail.com - Website: tonghoiyhoc.vn              
 
DMCA.com Protection Status
   

Đang online:
1
Tổng số truy cập:
9.657.897
Bản quyền 2015 thuộc về Tonghoiyhoc.vn
Website được thiết kế bởi Tất Thành